Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn và phát triển nghề gốm

07:01, 10/01/2018

(ĐN) – Ngày 10-1, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương và UBND TP.Biên Hòa tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn phát triển nghề gốm truyền thống tại Đồng Nai", nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát triển nghề gốm...

 

(ĐN) – Ngày 10-1, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương và UBND TP.Biên Hòa tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn phát triển nghề gốm truyền thống tại Đồng Nai”, nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát triển nghề gốm. Tham dự hội thảo có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Quang Huy, cùng đại diện các sở, ngành, các nhà khoa học, nghệ nhân gốm.

Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vy Văn Vũ chủ trì hội tạo.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Vy Văn Vũ chủ trì hội thảo

Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 14 báo cáo khoa học của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các sở, ngành, trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh.

Theo đó, nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã hình thành từ cuối thế kỷ 19 và đạt đỉnh cao vào đầu thế kỷ 20. Đặc trưng nổi bật của gốm Biên Hòa là sự kết hợp của men tro và chất tạo màu hợp kim đồng, màu men đá đỏ, gốm đất đen. Các tác phẩm gốm Biên Hòa mang tính thẩm mỹ cao, các hoạ tiết trang trí cân đối, bố cục hài hòa, được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Do đó, gốm Biên Hòa chủ yếu sản xuất để xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Sản xuất gốm ở Biên Hòa.
Sản xuất gốm ở Biên Hòa

Tuy nhiên hiện nay, gốm Biên Hòa đang đứng trước nguy cơ mai một nên việc bảo tồn và phát triển là rất cần thiết. Để bảo tồn nghề gốm, thời gian qua tỉnh đã quy hoạch cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) để các cơ sở sản xuất gốm di dời vào.

Theo ý kiến của các nhà khoa học và đại diện các sở ngành, thì muốn bảo tồn nghề gốm Biên Hòa nên có chính sách ưu đãi trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần gắn phát triển du lịch với làng nghề gốm để quảng bá, đồng thời hỗ trợ về vốn cho các cơ sở sản xuất gốm để giảm chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

                                                 Tin và ảnh: Hương Giang

Tin xem nhiều