Báo Đồng Nai điện tử
En

Nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy

10:11, 13/11/2019

Ngày 13-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV:

Ngày 13-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC. Mặc dù vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp…

Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7-2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Thảo luận tại hội trường, cơ bản ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành với Dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018; đánh giá cao Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan đã làm việc tích cực, trách nhiệm trong quá trình triển khai chuyên đề giám sát. Dự thảo Báo cáo giám sát đã thể hiện tương đối toàn diện, đưa ra những nhận định, đánh giá có số liệu, dẫn chứng, qua đó đưa ra các giải pháp, đề xuất kiến nghị cụ thể.

Phát biểu thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về giám sát “việc thực hiện chính sách pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018” là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng báo cáo chưa phân tích sâu các nguyên nhân và những bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Trong các báo cáo, số liệu được nêu là khá nhiều nhưng đọng lại các giải pháp thực tiễn là không đáng kể. Đại biểu Như Ý kiến nghị một số giải pháp trong công tác PCCC. Trong đó có kiện toàn khung pháp lý, tháo gỡ những bất cập ở những văn bản như báo cáo đã nêu càng sớm càng tốt để doanh nghiệp và các đơn vị chấp hành có thể dễ dàng thực hiện. Ban hành các hướng dẫn thật cụ thể để các cấp chính quyền, kể cả cấp xã có thể thực hiện được việc tuyên truyền PCCC trong khu dân cư. Bên cạnh đó công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề phải mang tính xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo dựng lòng tin trong doanh nghiệp và quần chúng, từ đó mới có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác này...

Phát biểu kết luận phiên giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, về chủ trương, qua cuộc giám sát này, không thể hy vọng chấm dứt được hoàn toàn việc cháy nổ, nhưng đây là cơ hội để có các giải pháp phù hợp, cần thiết nhằm nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm của tất cả các đối tượng, lực lượng trong công tác PCCC; từ đó hạn chế, loại trừ được các nguyên nhân gây cháy, tiến tới giảm thiệt hại về người và tài sản trong cháy, nổ; góp phần bảo đảm sự bình an của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

P.V

Tin xem nhiều