Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em

10:05, 27/05/2020

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, ngày 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến dành hẳn một ngày để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, ngày 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến dành hẳn một ngày để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Quang cảnh phiên họp giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên họp giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: TTXVN

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo đó, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện tốt các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, trên cả nước vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó có nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chính phủ, trên cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ. Ngoài ra, công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em được tăng cường. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bị xâm hại được chú trọng, góp phần hạn chế tổn hại về thể chất, tinh thần mà trẻ phải gánh chịu.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại cơ bản được tiến hành kịp thời, nghiêm minh…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Lê Thị Nga cho biết, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em hạn chế về số lượng và chất lượng; việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; nhiều địa phương chưa thống kê đầy đủ, chính xác số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nên không cảnh báo được nguy cơ và biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình…

Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu Quốc hội đánh giá tình hình xâm hại trẻ em, phân tích và đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua, phân tích nguyên nhân của những kết quả và hạn chế, xác định trách nhiệm và bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu cũng góp ý cụ thể đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.       

     TTXVN

Tin xem nhiều