Báo Đồng Nai điện tử
En

Triệt phá đường dây làm giấy tờ giả

11:07, 20/07/2020

(ĐN)- Ngày 20-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng: Trần Khánh Trình (40 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), Tạ Tiến Anh (39 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) và Đỗ Hồng Lĩnh (29 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) để điều tra do có liên quan đến đường dây làm giấy tờ giả vừa bị phát hiện, triệt phá trên địa bàn tỉnh...

 

(ĐN)- Ngày 20-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng: Trần Khánh Trình (40 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), Tạ Tiến Anh (39 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) và Đỗ Hồng Lĩnh (29 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) để điều tra do có liên quan đến đường dây làm giấy tờ giả vừa bị phát hiện, triệt phá trên địa bàn tỉnh.

Mẫu giấy tờ, con dấu giả được công an thu giữ trong chuyên án. (Ảnh: CAĐN)
Mẫu giấy tờ, con dấu giả được công an thu giữ trong chuyên án (Ảnh: CAĐN)

Trước đó, Công an tỉnh đã xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá các hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trên địa bàn tỉnh. Cũng theo cơ quan điều tra, thời gian gần đây tình hình mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp nên lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra xử lý các đối tượng liên quan.

Sau một thời gian điều tra, ngày 18-7, lực lượng công an đã phát hiện và bắt giữ Trần Khánh Trình đang sản xuất giấy tờ giả. Khám xét nhà của đối tượng này, cơ quan công an đã thu giữ 2 bộ máy vi tính để bàn, 1 máy tính xách tay (trong đó có chứa rất nhiều dữ liệu để làm các loại giấy tờ, tài liệu giả); 2 máy in màu, 1 máy ép nhựa; 6 phôi bằng cấp các loại, 131 mẫu con dấu các đơn vị, cơ sở giáo dục, dạy nghề trên khắp cả nước; 300 tem dán trên phôi bằng cùng nhiều tài liệu tang vật liên quan khác.

Cơ quan công an xác định, Trần Khánh Trình là đối tượng cầm đầu đường dây. Riêng các đối tượng: Anh, Lĩnh...tham gia hỗ trợ cho Trình thực hiện việc mua bán các loại giấy tờ này. Thủ đoạn của các đối tượng sử dụng các loại thiết bị, máy móc hiện đại này để làm giả các loại giấy tờ một cách tinh vi nên rất khó phát hiện. Để tìm kiếm “khách hàng”, các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để chào mời. Khi có người đặt vấn đề mua bằng, các đối tượng sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu về bằng cấp.

Để phục vụ khách hàng, các đối tượng đã sưu tầm các mẫu con dấu của những cơ sở giáo dục, đơn vị có nhiều người mua để đóng lên văn bằng, giấy tờ. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã tìm kiếm khách hàng không chỉ ở Đồng Nai, mà còn ở nhiều địa phương khác.

Như thông tin đã phản ảnh, thời gian qua, tại một số đơn vị, sở ngành trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng cấp giả để hành nghề. Việc Công an tỉnh xác lập chuyên án triệt phá đường dây sản xuất, mua bán bằng cấp, giấy tờ giả đã kịp thời chấn chỉnh vấn nạn này trên địa bàn tỉnh. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Trần Danh

Tin xem nhiều