Báo Đồng Nai điện tử
En

Lọc máu liên tục cho bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng nặng

04:04, 12/04/2021

(ĐN) - Chiều 12-4, BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khoa đang tiến hành lọc máu để điều trị bệnh tay chân miệng cho bệnh nhi nam V.Đ.K., 18 tháng tuổi, ngụ xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ.

 

(ĐN) - Chiều 12-4, BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khoa đang tiến hành lọc máu để điều trị bệnh tay chân miệng cho bệnh nhi nam V.Đ.K., 18 tháng tuổi, ngụ xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ.

BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc thăm khám cho bé K.
BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc thăm khám cho bé K.

Bệnh nhân được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tối 11-4 trong tình trạng sốt cao, giật mình nhiều, ói nhiều, bắt đầu tổn thương tim, tổn thương não. Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành cấp cứu, truyền thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng, cho bệnh nhân thở máy, chống phù não và lọc máu liên tục. Đến chiều 12-4, tình trạng bệnh nhi tương đối ổn định. Các bác sĩ sẽ tiếp tục lọc máu, truyền thuốc kháng virus, thuốc hỗ trợ, hồi sức.

Mẹ bé K. cho biết, bé là con đầu của vợ chồng chị. Do còn nhỏ nên bé K. chưa đi nhà trẻ, chỉ ở nhà chơi với bà ngoại và thường xuyên đi chân đất ra ngoài.

Ngoài trường hợp bé K. còn có 1 trường hợp khác là bé gái N.H.T.T., 8 tháng tuổi, ngụ xã Phước Thái, H.Long Thành cũng đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Bé T. nhập viện cách đây 3 ngày trong tình trạng sốt cao, co giật, liệt nửa người bên trái. Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bé, chờ đến khi bé ổn định sức khỏe sẽ tập vật lý trị liệu cho bé.

Mẹ bé T. đang chăm sóc cho bé tại bệnh viện.
Mẹ bé T. đang chăm sóc cho bé tại bệnh viện.

Theo BS Nguyễn Trọng Nghĩa, bệnh tay chân miệng nặng thường xảy ra đối với những bệnh nhi dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi thường bị rất nặng. Có những bệnh nhi bị tổn thương phổi, có em tổn thương tim, tổn thương não, liệt chi.

Những trẻ bị bệnh tay chân miệng nặng có dấu hiệu khá kín đáo, không nổi bóng nước, loét miệng nhiều như trẻ bị bệnh tay chân miệng thông thường nên rất khó phát hiện. Bệnh tay chân miệng biến chứng nặng diễn biến rất nhanh. Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm để thăm khám và điều trị nếu trẻ sốt cao liên tục, quấy khóc nhiều, giật mình hoặc đi đứng chới với, run tay.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích