Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi cá đặc sản vùng nước lợ

09:11, 14/11/2019

Khoảng 10 năm trở lại đây, hàng chục hộ dân (xã Phước Thái, huyện Long Thành) đã tận dụng diện tích mặt nước dọc sông Thị Vải làm lồng nuôi cá.

Khoảng 10 năm trở lại đây, hàng chục hộ dân (xã Phước Thái, huyện Long Thành) đã tận dụng diện tích mặt nước dọc sông Thị Vải làm lồng nuôi cá.

Ông Nguyễn Tỉnh (55 tuổi, ấp 1C, xã Phước Thái) được xem là người tiên phong áp dụng mô hình nuôi cá nước lợ dọc sông Thị Vải đoạn qua các xã Phước Thái, Phước An
Ông Nguyễn Tỉnh (55 tuổi, ấp 1C, xã Phước Thái) được xem là người tiên phong áp dụng mô hình nuôi cá nước lợ dọc sông Thị Vải đoạn qua các xã Phước Thái, Phước An. Ảnh: B.Mai

[links()]Nguồn nước phù hợp, đầu ra ổn định, nghề nuôi cá nước lợ đang góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương.

* Làm giàu từ cá bống mú

Mô hình nuôi cá lồng nước lợ dọc sông Thị Vải, đoạn qua xã Phước Thái (huyện Long Thành), xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) và một phần phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phần lớn là do nông dân xã Phước Thái thực hiện với khoảng 40 hộ, trung bình mỗi hộ có từ 15-25 lồng (mỗi lồng 20-25m2 mặt nước).

Cá bống mú có tên gọi khoa học Gobio gobio, thuộc dòng họ cá chép (cá Cyprinidae). Trung bình, một con cá bống mú nặng từ 1-1,5kg sau 6 tháng nuôi. Cá bống mú sinh trưởng trong môi trường nước mặn và nước lợ. Cá bống mú có giá trị dinh dưỡng cao, thịt dai ngon nên đầu ra khá thuận lợi và thường có giá cao hơn các loại cá khác, trung bình hơn 200 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Tỉnh (55 tuổi, ấp 1C, xã Phước Thái) được xem là người đầu tiên trong xã thực hiện mô hình này. Ông Tỉnh tự thiết kế lồng, nhập giống, chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau thành công từ lần nuôi thử nghiệm đầu tiên vào năm 2011, đến nay ông Tỉnh đã phát triển được 25 lồng. Trong đó, 7 lồng được ông luân phiên thả các loại cá giống như chẽm, bống mú, bớp, nhưng chủ yếu là cá bống mú.

Theo ông Tỉnh, cá bống mú thường sống ở vùng ven biển và ở khu vực cửa sông, nơi có sự giao thoa nước mặn và ngọt. Do đó, người nuôi nên chọn cá giống được khai thác tự nhiên, hoặc giống được phát triển trong môi trường nước lợ. Với những người nuôi có kinh nghiệm như ông thì có thể chọn cá giống nhỏ, loại 7 ngàn đồng/con cho đỡ chi phí ban đầu. Còn muốn “chắc ăn” thì chọn cá loại lớn hơn có giá bán từ 20-25 ngàn đồng/con giống để nuôi.

Mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch) là thời điểm nuôi cá lồng trên sông khá thuận lợi vì ít mưa, nước không biến động nhiều, độ mặn ổn định nên hạn chế được tình trạng cá nhiễm bệnh, sốc nhiệt. Thức ăn cho cá bống mú khá đơn giản, chủ yếu là các loại cá tạp, tôm, cua nhỏ. Từ khi thả nuôi đến khi xuất bán khoảng 6-7 tháng, trọng lượng trung bình 1-1,5 kg/con.

"Năm rồi tôi bán cá được 1,1 tỷ đồng, trong đó, tiền vốn và công khoảng 800 triệu đồng. Năm nay mới bán được 2 đợt và thu về khoảng 600 triệu đồng, vụ cá Tết này có sản lượng gấp đôi" - ông Tỉnh phấn khởi cho biết.

Gia đình ông Nguyễn Công Thanh (ấp 1C, xã Phước Thái) cũng thành công với mô hình nuôi cá lồng nước lợ. Bắt đầu từ năm 2013, đến nay, ông Thanh đã có 24 lồng cá, chủ yếu là cá bống mú và bớp. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, sau khi trừ các chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, nhân công, mỗi năm, ông Thanh lãi khoảng 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nghề đánh bắt cá sông để bán trước đây.

Có thể nói, mô hình nuôi cá lồng nước lợ trên sông dễ thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế khá nên từ vài hộ ban đầu, đến nay, xã Phước Thái đã có trên dưới 40 hộ nuôi với diện tích lên hàng chục hécta. Đặc biệt, nhiều hộ trước đây làm nghề thả lưới ở sông, thu nhập bấp bênh, nay đã mạnh dạn chuyển sang nuôi cá lồng và thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi mỗi năm.

Các loại cá nuôi lồng nước lợ ở xã Phước Thái đang được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh. Hiện thương lái thu mua tại bè với giá từ 230-250
đồng/kg đối với cá bống mú, 140-150 ngàn đồng/kg đối với cá chim, 90-100 ngàn đồng/kg đối với cá chẽm...

* Phát triển bền vững

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Thái Trần Xuân Thám, vài năm trở lại đây, mô hình nuôi cá lồng nước lợ phát triển mạnh về số lượng và chất lượng đàn cá. Hiện có gần 40 hộ nuôi cá với khoảng 800 lồng, tập trung ở các ấp 1C, 1B.

Xã Phước Thái hiện có khoảng 40 hộ nuôi cá lồng trên sông. Ảnh: B.Mai
Xã Phước Thái hiện có khoảng 40 hộ nuôi cá lồng trên sông. Ảnh: B.Mai

Thời gian tới, xã sẽ kiến nghị với huyện tổ chức lớp tập huấn, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật nuôi khoa học, các giống cá mới phù hợp với điều kiện tự nhiên cho các hộ nông dân, bảo đảm duy trì ổn định số lượng và chất lượng lồng cá.

Ông Trần Lê Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái cho rằng, các mô hình nuôi cá lồng nước lợ đang đem lại hiệu quả khả quan, góp phần cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng cho người dân.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, việc phát triển và mở rộng nghề nuôi cá lồng nước lợ tại xã hiện nay còn một số vướng mắc. Do một phần diện tích nuôi không thuộc địa bàn xã nên không có đủ cơ sở xác nhận hồ sơ vay vốn cho người nuôi. Hơn nữa, nguồn nước sông Thị Vải chịu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt và công nghiệp đã tác động không nhỏ đến việc nuôi cá lồng. Việc nhập con giống từ tỉnh khác khiến người nuôi gặp khó khăn trong quản lý chất lượng đầu vào.

"Trong thời gian tới, xã sẽ hướng nông dân gắn phát triển nuôi cá lồng nước lợ với xây dựng các kênh tiêu thụ nhằm ổn định đầu ra và nâng cao giá trị cho cá nuôi tự nhiên. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã tích cực làm việc với hội Nông dân huyện Long Thành để người nuôi cá được vay vốn, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi cá lồng, phối hợp với các ngành chức năng, thường xuyên giám sát hệ thống quan trắc môi trường nước tại khu vực nuôi cá lồng trên địa bàn xã.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành Trần Văn Thanh cho biết, trên địa bàn huyện hình thành được nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản nước lợ như: nuôi tôm ở xã Tam An, nuôi cá lồng ở xã Phước Thái, nuôi hàu ở xã Long Phước... Trong đó, mô hình nuôi cá nước lợ trên sông ở xã Phước Thái đang phát triển khá tốt. Giá trị ngành thủy sản 9 tháng của năm 2019 đạt 6 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài việc triển khai nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản nước lợ hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo người dân đa dạng hóa vật nuôi để tránh tình trạng trúng mùa rớt giá, dịch bệnh; hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp và kiểm soát lượng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, hướng đến phát triển bền vững.

Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích