Báo Đồng Nai điện tử
En

Hợp tác xã tiên phong chế biến chuối xuất khẩu

04:12, 09/12/2019

Với hơn 7 ngàn hécta chuối, trong đó huyện Trảng Bom chiếm nhiều nhất (4,5 ngàn hécta), những năm gần đây, chuối ở Đồng Nai nói chung và Trảng Bom nói riêng chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc. Một số ít được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, thông qua các đơn vị ủy thác hoặc đối tác trung gian.

Với hơn 7 ngàn hécta chuối, trong đó huyện Trảng Bom chiếm nhiều nhất (4,5 ngàn hécta), những năm gần đây, chuối ở Đồng Nai nói chung và Trảng Bom nói riêng chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc. Một số ít được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, thông qua các đơn vị ủy thác hoặc đối tác trung gian.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình đang kiểm tra chất lượng chuối xuất khẩu. Ảnh:H.Lộc
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình đang kiểm tra chất lượng chuối xuất khẩu. Ảnh:H.Lộc

Mới đây, một hợp tác xã (HTX) tại địa phương đã đi tiên phong trong việc chế biến (sấy dẻo, chiên) chuối già lùn Nam Mỹ để xuất khẩu.

Tin vui là tháng 1-2020, lô hàng đầu tiên sẽ được xuất sang Trung Đông. Việc một HTX tiên phong chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu chuối sẽ mở ra cơ hội tăng giá trị và lợi nhuận cho người nông dân, đồng thời giảm rủi ro khi chỉ tập trung xuất khẩu chuối tươi vào một thị trường nhất định như hiện tại.

* Tâm huyết với cây chuối

Người đầu tiên chế biến và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chuối ở Trảng Bom là ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình). Ông Hùng là nông dân trồng chuối, từng rơi vào thảm cảnh chuối chín vàng không có người mua, phải đi “gõ cửa” nhiều nơi tìm người mua chuối cho mình, cho các hộ nông dân khác. Ngoài việc tự tìm kiếm đầu ra, liên kết các hộ trồng chuối thành lập tổ hợp tác, sau đó là HTX, ông Hùng còn bỏ nhiều thời gian, tiền bạc làm các xét nghiệm, chứng chỉ liên quan cho cây chuối ở huyện Trảng Bom chỉ với mong muốn “tìm giá trị thực cho chuối”.

Theo Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, HTX Thanh Bình là đơn vị tiên phong trong việc liên kết với các HTX, các doanh nghiệp chế biến trong nước để xuất khẩu chuối tươi. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh làm chuối chiên xuất khẩu sang Trung Đông.

Ông Hùng sinh ra và lớn lên ở TP.Hồ Chí Minh, năm 22 tuổi, ông về huyện Trảng Bom mua đất trồng cây. Lúc đầu ông trồng nhiều loại cây ăn quả nhưng năng suất thấp, ông chuyển sang trồng tiêu. Năm 2016, giá tiêu bắt đầu xuống, khi đó huyện Trảng Bom rộ lên phong trào trồng chuối già lùn Nam Mỹ xuất khẩu, ông chặt bỏ 3 hécta tiêu trồng chuối.

Niềm vui vì cây chuối phù hợp với thổ nhưỡng, năng suất cao, đầu ra thuận lợi chưa được bao lâu thì ông Hùng và nhiều nhà vườn trong huyện đối mặt với các đợt “khủng hoảng thừa” chuối do thị trường Trung Quốc giảm nhập. Các ban ngành, đoàn thể và nhân dân nhiều nơi phải chung tay “giải cứu” nhiều lần nhưng nông dân vẫn lỗ. Ông Hùng vẫn quyết tâm gắn bó với cây chuối vì cho rằng không có loại cây nào thích hợp với đất Thanh Bình hơn cây chuối già lùn Nam Mỹ.

Ông tìm đến một công ty chế biến chuối xuất khẩu ở tỉnh Bình Dương đặt vấn đề và trở thành đơn vị cung cấp chuối xanh đã qua sơ chế cho công ty này. Sau đó, ông bàn với những hộ trồng chuối trong ấp và nhận được sự thống nhất cao. Thế là Tổ hợp tác chuối Thanh Bình được thành lập. Trung bình mỗi ngày ông gom hàng tấn chuối xanh về cơ sở của ông để gọt vỏ, rửa sạch, đóng gói rồi chuyển đi Bình Dương.

Bước đột phá là năm 2018, ông được Hội Nông dân tỉnh cho đi học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp ở Hàn Quốc, trong đó có mô hình chế biến nhân sâm. “Tôi thấy cây nhân sâm người ta chẳng bỏ đi thứ gì. Củ họ ngâm rượu, thân và lá thì họ làm trà, rễ cây họ xay ra làm mỹ phẩm hoặc kẹo. Tôi nghĩ đến cây chuối của mình, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Nếu là chuối xuất khẩu, chúng tôi chỉ bán được 4-5 bẹ giữa quầy. Đó là chưa kể, chuối bị đốm đen, quả to, quả nhỏ hoặc cong đều bị loại. Nhà vườn đổ bỏ hoặc bán rẻ cho gia súc ăn, vô cùng lãng phí. Tôi lại nghĩ đến đối tác mà chúng tôi đang cung cấp chuối họ cũng mua chuối chế biến rồi xuất khẩu. Tôi quyết định phải làm gì đó, trước hết là với những trái chuối mà đối tác không thu mua, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu” - ông Hùng cho biết.

* Chinh phục khách hàng khó tính

Nghĩ là làm, bàn với các thành viên trong tổ hợp tác góp vốn làm “tên” cho chuối. Quá trình thực hiện các xét nghiệm chất đất, nguồn nước, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng dinh dưỡng trong chuối tươi, chuối khô mất khá nhiều thời gian. Trong thời gian này, ông duy trì bán chuối tươi cho các đối tác, nhưng đồng thời tự tìm kiếm khách hàng nước ngoài cho riêng mình.

Ông Lý Minh Hùng đang giới thiệu sản phẩm chuối chiên giòn xuất khẩu
Ông Lý Minh Hùng đang giới thiệu sản phẩm chuối chiên giòn xuất khẩu

Được một tiến sĩ nông nghiệp từng du học châu Âu kết nối, ông gửi 13 thùng chuối tươi bằng đường hàng không sang Nga, gửi 20 thùng sang Nhật Bản. “Cả hai thị trường đều phản hồi tích cực. Thị trường Nhật Bản nổi tiếng khắt khe về chất lượng hàng hóa nông sản nhưng họ đánh giá cao và muốn nhập chuối tươi. Tôi chưa dám nhận vì còn vướng xét nghiệm liên quan đến chất độc trong đất. Chúng tôi đang làm và sẽ làm được. Một khi xuất khẩu được vào Nhật Bản, thì cơ hội xuất khẩu chuối sang các thị trường ở Trung Đông, châu Âu sẽ lớn hơn và thuận lợi hơn rất nhiều” - ông Hùng khẳng định.

Điều này đang mở ra hướng đi mới cho người trồng chuối ở địa phương, đó là liên kết, chế biến sâu thay vì xuất khẩu tươi vào một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả. Cách làm của HTX này cũng tương đối khác so với các đơn vị kinh tế tập thể khác. Đó là họ tự đi tìm đầu ra trước, rồi mới tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo yêu cầu; tìm được đối tác xong mới bắt tay vào chế biến sâu.

Giám đốc HTX cũng chia sẻ thêm, mục tiêu của ông không phải là chuối tươi mà chế biến để tăng giá trị cho quả chuối. Thời gian đầu là chuối tươi, sau đó sẽ là chuối chế biến. “Tôi đang phát triển 2 dòng sản phẩm là chuối sấy dẻo nguyên quả và chuối thái lát chiên giòn. Chuối sấy đã có một số nơi làm nhưng chuối già Nam Mỹ chiên giòn thì rất hiếm ” - ông Hùng chia sẻ.

Hiện tại, HTX Thanh Bình có 10 thành viên với tổng diện tích 70 hécta, ngoài ra HTX bao tiêu đầu ra cho hơn 100 hécta chuối khác. Các vườn chuối của HTX phải cam kết sản xuất theo quy trình, hằng tháng ông đưa chuối, đất đi làm các xét nghiệm. Khoảng 90% sản lượng chuối của HTX vẫn được bán tươi cho các công ty, đơn vị thu mua xuất khẩu trong nước. Tuy nhiên, tới đây, con số này sẽ giảm, đồng thời chuối chế biến tăng dần. “Theo cam kết lô hàng chuối chiên và sấy dẻo sẽ lên đường sang Trung Đông vào ngày 3-1 đúng kỷ niệm 1 năm thành lập HTX. Ước khoảng 10 tấn/tháng trong năm 2020. Đây là thị trường lớn và giàu tiềm năng vì lượng hàng xuất tùy thuộc vào năng lực của HTX” - ông Hùng phấn khởi nói.

Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu trái tươi, chế biến khô, mở 2 văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh và Cộng hòa Czech, ông Hùng đang đầu tư kho lạnh với quy mô chứa hàng ngàn tấn chuối phục vụ cho chế biến quanh năm. Đa phần nguyên liệu dùng để chế biến chuối chiên là chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, các bẹ chuối ở cuối quầy, điều này giúp nông dân không phải bán chuối loại rẻ làm thức ăn cho gia súc. Hiện một số vườn chuối ông Hùng liên kết đang đầu tư hệ thống cáp treo để đưa chuối từ vườn đến tận nhà xưởng nhằm giảm công vận chuyển, tiết kiệm chi phí sản xuất và hạn chế ảnh hưởng đến mẫu mã chuối.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều