Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay ở một xã vùng sâu

10:03, 24/03/2021

Là xã xa xôi nhất của H.Tân Phú, những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, đặc biệt là cây cầu Đắc Lua hoàn thành, đã tạo được sức bật mạnh mẽ cho xã vùng sâu Đắc Lua.

Là xã xa xôi nhất của H.Tân Phú, những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, đặc biệt là cây cầu Đắc Lua hoàn thành, đã tạo được sức bật mạnh mẽ cho xã vùng sâu Đắc Lua.

Thu hoạch lúa tại cánh đồng xã Đắc Lua. Ảnh: N.Liên
Thu hoạch lúa tại cánh đồng xã Đắc Lua. Ảnh: N.Liên

Các mặt về đời sống từ văn hóa, xã hội đến kinh tế của người dân được cải thiện mỗi ngày, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã giúp người dân nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống theo đó cũng được quan tâm, cải thiện…

* Chăm lo cuộc sống người nghèo

Lâu nay, vấn đề chăm lo cuộc sống của người nghèo luôn được sự quan tâm và ưu tiên không chỉ của lãnh đạo xã mà của cả lãnh đạo huyện và tỉnh. Do đó hằng năm, bằng nhiều hình thức, nhiều giải pháp, lãnh đạo các cấp luôn tạo điều kiện để người nông dân được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng giống mới vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, chăn nuôi và luôn hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.

Theo ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đắc Lua, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Đắc Lua đạt 60 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 140 triệu đồng. “Chúng tôi đang phấn đấu đến cuối năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 160 tỷ đồng/ha, tăng 1% so với năm 2020. Tiếp tục hỗ trợ nông dân đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất chất lượng vào sản xuất, nhất là lúa và bắp. Đồng thời, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm giá thành sản xuất, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Là ấp mới được sáp nhập về xã Đắc Lua được hơn 3 năm, khi mới tiếp nhận ấp 7, phần lớn bà con nơi đây thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Tày và Nùng. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với lãnh đạo tỉnh cũng như H.Tân Phú chính là hỗ trợ các hộ nghèo tại ấp 7 có điều kiện vươn lên, quan tâm đầu tư, chăm sóc những nhu cầu về giáo dục, trạm y tế, đường giao thông…

Ông Triệu Văn Tích, Trưởng ấp 7 (xã Đắc Lua) cho biết, kể từ khi sáp nhập, trở thành một đơn vị hành chính cấp ấp của Đồng Nai, bà con ấp 7 rất phấn khởi, luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc mọi mặt như: giáo dục, y tế... Nhiều quỹ hỗ trợ, nhà đầu tư đã được chính quyền địa phương giới thiệu đến đây để giúp đỡ bà con. Ông Tích chia sẻ, vấn đề mong ước lớn nhất của bà con hiện nay chính là sớm có những kênh mương thủy lợi hoàn chỉnh để phục vụ tưới tiêu và sớm có tuyến đường kết nối với trung tâm xã để bà con đi lại thuận tiện, giao thương buôn bán dễ dàng hơn. Theo ông Tích: “Những năm qua, do khó khăn về đường sá nên người dân gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày cũng như vận chuyển nông sản, hàng hóa. Do đó, để  thay đổi cuộc sống, bà con nơi đây rất mong chờ các dự án về kênh thoát nước, đường giao thông… sớm hoàn thành”.

* Những mô hình kinh tế hiệu quả

Đắc Lua có tổng diện tích cây trồng khoảng 3,1 ngàn ha. Trong đó, trên 2,2 ngàn ha là diện tích cây hằng năm, chủ yếu là lúa, bắp và một số loại cây lấy hạt giống, củ, quả. Cây lâu năm trên địa bàn Đắc Lua tập trung chủ yếu vào các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và dâu tằm.

Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương đã đạt khoảng 90%. Trong đó, một nhà máy sản xuất tơ tằm với dây chuyền tự động luôn tạo điều kiện cho hàng chục lao động địa phương cùng nhiều hộ gia đình phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân chuyên trồng dâu nuôi tằm tại ấp 4 cho biết, với khoảng 2ha trồng dâu nuôi tằm, nhờ thường xuyên được cập nhật cách chăm sóc dâu và tằm, mỗi tháng trung bình ông Hải có thu nhập trên dưới 15 triệu đồng. Theo ông Hải, nghề trồng dâu nuôi tằm chỉ vất vả vào thời điểm tằm ăn rỗi kéo dài khoảng từ 5-7 ngày, sau đó, người dân chỉ cần chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và chăm sóc vườn cây, cuộc sống khá ổn định.

Hay như bà Lê Thị Dương, công nhân làm việc tại xưởng sản xuất tơ tằm của một hộ dân trong xã cũng cho biết, mức lương trên dưới 7 triệu đồng mỗi tháng đã giúp bà có thu nhập ổn định cuộc sống.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều