Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp dần phục hồi sau giãn cách

09:10, 27/10/2021

Sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái "bình thường mới".

Sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Cùng với tích cực tuyên truyền, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nông dân H.Tân Phú cũng đang khẩn trương cải tạo, chăm sóc lại vườn cây của mình, chuẩn bị cho những vụ thu hoạch sắp tới.

Nông dân kiểm tra lại vườn cây ăn trái sau dịch. Ảnh: Tiến Khang
Nông dân kiểm tra lại vườn cây ăn trái sau dịch. Ảnh: Tiến Khang

* Vườn rẫy suy kiệt vì dịch Covid-19

Với 1,5ha trồng xen các loại cây như: bưởi lông hồng, mít Thái siêu sớm, dừa xiêm lùn…, những ngày này, ông Lê Văn Lâm (xã Phú Lộc) luôn tất bật với công việc tỉa cành, tạo tán, bón phân, phun thuốc để làm trái cho vụ thu hoạch sắp tới. Bởi trong suốt những tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, vườn cây này gần như bị bỏ bê, phần vì nông sản không bán được, phần vì khó khăn trong việc mua vật tư nông nghiệp để chăm sóc vườn nên cây có dấu hiệu bị suy kiệt đáng kể.

Trường phòng NN-PTNT H.Tân Phú NGUYỄN NHẬT HỒNG chia sẻ: “Nông dân đang bắt nhịp sản xuất trong trạng thái bình thường mới khá tốt. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế bị suy thoái chung, thêm vào đó, một số địa phương trong huyện còn phải đối diện với tình trạng lũ lụt nên việc khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để giúp nông dân vượt qua khó khăn trong đại dịch này, cần sự quan tâm đúng mức, trong đó cần tính toán đến đặc thù nông dân từng vùng, giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước khôi phục sản xuất”.

Ông Lâm hy vọng, khi mọi hoạt động được trở lại trong điều kiện bình thường mới, vườn cây được chăm sóc trở lại để đón đầu vụ thu hoạch sắp tới. Khi đó, thị trường trong nước, nhất là các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ và cả phía Bắc sẽ tiêu thụ nhiều hơn. Thị trường xuất khẩu được khôi phục, giá các mặt hàng nông sản sẽ tăng cao hơn để nông dân có nguồn thu nhập bù lại cho khoảng thời gian “thất thu” do dịch bệnh gây ra.

Để nông dân có hướng khôi phục vườn cây hiệu quả, bảo đảm an toàn và tiết kiệm chi phí, ông Huỳnh Trung Tính, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc cho hay, chính quyền địa phương đã khảo sát thực tế một số vườn, rẫy của nông dân để nắm bắt tình hình. Qua đó cũng động viên và khuyến khích nông dân cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ đang khá dồi dào do một số trại, chuồng chăn nuôi heo, dê tại địa phương và những vùng xung quanh đang tồn đọng khá nhiều do giãn cách xã hội. Ông Tính cho biết, việc sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa có tác dụng cải tạo đất tốt, giúp cho cây trồng phát triển bền vững.

Cùng với Phú Lộc, nông dân một số xã khác như: Phú Thịnh, Tà Lài, Phú Xuân… cũng đang cấp tập khôi phục vườn rẫy để chuẩn bị cho những vụ thu hoạch tới đạt năng suất cao hơn. Được biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch nên việc vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến các mặt hàng nông sản bị rớt giá sâu, thậm chí không bán được, lượng trái cây tồn tại vườn rất nhiều, gây tổn thất kinh tế và khó khăn cho người dân.

* Đón đầu thị trường sau dịch

Ghi nhận qua khảo sát thực tế về tình hình sản xuất trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Nhật Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tân Phú cho biết, dịch bệnh Covid-19 ở nhiều nơi diễn biến rất phức tạp, nhưng với H.Tân Phú, công tác kiểm soát được thực hiện khá tốt, số ca nhiễm ít. Dù địa phương đã tạo điều kiện cho nông dân đến chăm sóc vườn rẫy, nhưng cũng chỉ ở chừng mực nào đó do ảnh hưởng chung từ nhiều phía. Nhiều vườn cây bị ảnh hưởng đáng kể, nhất là một số loại cây trồng như các loại cây có múi cho thu hoạch đúng vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, các phương tiện đi lại khó khăn, thị trường tiêu thụ các vùng miền đều bị gián đoạn.

Ghi nhận thị trường sau giãn cách, ông Hồng cho biết, hiện nay giá phân bón đang tăng, trong khi nông dân không có nguồn thu từ nhiều tháng nay, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc khôi phục sản xuất của bà con nông dân do phải gánh chi phí lớn hơn. Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các hộ dân vẫn tập trung tái sản xuất để đón đầu cho thu hoạch sắp tới. Khi việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt, sức mua được dự báo sẽ từng bước ổn định và tăng cao trở lại.

Nhằm hỗ trợ bà con giảm bớt khó khăn, Phòng NN-PTNT huyện đang xây dựng phương án để tham mưu UBND huyện triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất bảo đảm đúng tiến độ, đạt hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách về hỗ trợ các mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình nông sản sạch, an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh…

Tiến Khang

Tin xem nhiều