Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng kết nối, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương

07:06, 17/06/2022

H.Định Quán có diện tích đất nông nghiệp trên 40,5 ngàn ha, chiếm 42% trong tổng diện tích đất của huyện. Với các cây trồng thế mạnh như: lúa, xoài, điều, chuối…, H.Định Quán đang từng bước triển khai các mô hình liên kết nhằm xây dựng nguồn nông sản chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chí xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định cho nông dân.

H.Định Quán có diện tích đất nông nghiệp trên 40,5 ngàn ha, chiếm 42% trong tổng diện tích đất của huyện. Với các cây trồng thế mạnh như: lúa, xoài, điều, chuối…, H.Định Quán đang từng bước triển khai các mô hình liên kết nhằm xây dựng nguồn nông sản chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chí xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định cho nông dân.

Nông dân (giữa) được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn chăm sóc cây lúa. Ảnh: Ngọc Liên
Nông dân (giữa) được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn chăm sóc cây lúa. Ảnh: Ngọc Liên

Ngoài mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cho cây lúa đã thu được những thành quả nổi bật, H.Định Quán đang tiếp tục áp dụng phương thức sản xuất liên kết đối với cây sầu riêng, cây chuối và xoài, những loại cây trồng có diện tích lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu về đầu ra cho thị trường.

* Tạo thương hiệu ngay từ đầu vào

Năm 2021, H.Định Quán là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thành công mô hình liên kết hợp tác “4 nhà”, ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ và kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với cánh đồng lúa tại xã Thanh Sơn.

Trưởng phòng NN-PTNT H.Định Quán VŨ MẠNH DƯƠNG cho biết, để người dân được tiếp cận với các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp được bảo đảm, phòng đã đề nghị UBND các xã: Phú Vinh, Gia Canh, Ngọc Định, Phú Tân, Phú Túc và TT.Định Quán phối hợp với các đoàn thể thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân trên địa bàn biết về hiệu quả của mô hình liên kết hợp tác sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp có thể hỗ trợ được các loại giống tốt, chi phí sản xuất thấp nhờ áp dụng các biện pháp chăm sóc hiệu quả, tạo đầu ra ổn định cho thị trường.

Đến nay, mô hình trên cây lúa đã nhân rộng gấp đôi diện tích so với lần triển khai đầu tiên (từ hơn 140ha lên 300ha) nhờ hiệu quả và đầu ra được bảo đảm từ đơn vị kết nối, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm là Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời). Hiện Định Quán tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất liên kết đối với toàn bộ hơn 5 ngàn ha đất trồng lúa trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, sau năm đầu tiên thực hiện mô hình liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, nhiều hộ dân đã đăng ký tham gia sản xuất. Nhờ được chuyển giao các kỹ thuật canh tác có bài bản, khoa học hơn, nông dân đã có được những mùa thu hoạch lúa đạt chất lượng, đáp ứng tiêu chí của đơn vị thu mua nên đầu ra được bảo đảm. Cùng với việc được chuyển giao kiến thức, kỹ thuật trong canh tác lúa, nông dân được hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại như máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào cho nông sản, vừa bảo đảm sức khỏe cho nông dân khi hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu.

Theo một số nông dân tham gia HTX, trước đây mỗi khi tới đợt dùng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây lúa, bà con nông dân phần lớn sử dụng theo kinh nghiệm dân gian nên khá tốn kém và ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Từ khi có kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ các giải pháp áp dụng khoa học, lượng thuốc sử dụng trong cây lúa giảm hơn 30% mỗi sào, trong khi năng suất cây lúa cao hơn những năm trước. Với sự hướng dẫn trực tiếp từ các kỹ sư nên nông dân hiểu được đặc tính của từng loại bệnh và bệnh nào cần phun thuốc, bệnh nào không cần sử dụng thuốc.

* Bảo đảm đầu ra nông sản ổn định

Nhằm phát triển mô hình liên kết hợp tác sản xuất rộng rãi đến một số loại cây trồng khác, UBND H.Định Quán đang thống kê, tổng hợp để thực hiện triển khai đối với cây xoài, cây sầu riêng và cây chuối.

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc cho cây lúa của người dân theo mô hình liên kết hợp tác sản xuất tại xã Thanh Sơn. Ảnh: Ngọc Liên
Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc cho cây lúa của người dân theo mô hình liên kết hợp tác sản xuất tại xã Thanh Sơn. Ảnh: Ngọc Liên

Đánh giá về tiềm năng của mô hình liên kết, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Định Quán Nguyễn Trường Giang cho biết, qua theo dõi sự phối hợp giữa người dân và doanh nghiệp Tập đoàn Lộc Trời cho thấy kiến thức và kỹ thuật của nông dân trong quá trình canh tác đã trở nên bài bản và chuyên nghiệp hơn, vừa cho năng suất cây trồng đạt cao, vừa hạ được chi phí đầu tư sản xuất.

Ông Giang cho hay: “Đối với triển khai mô hình liên kết hợp tác sản xuất, huyện đang tổng hợp, chuẩn bị hồ sơ, sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ bà con nông dân có những phương thức sản xuất hợp lý, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Theo ghi nhận từ Phòng NN-PTNT H.Định Quán, toàn huyện hiện có trên 884ha cây sầu riêng, năng suất đạt trên 102 tạ/ha, diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch khoảng 240ha, với các giống được trồng chủ yếu là sầu riêng Monthong và Ri6.

Hiện tại, việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng của nông dân chủ yếu thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai hoặc theo kinh nghiệm thực tế của một số nhà vườn truyền miệng với nhau nên chưa có một quy trình chuẩn cho việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng trên địa bàn huyện. Đến nay, đầu ra cho trái sầu riêng chủ yếu bán qua thương lái và có 1 doanh nghiệp đóng gói sầu riêng theo tiêu chuẩn xuất qua Trung Quốc (Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thuận Hương) và chưa có mã vùng trồng sầu riêng.

Đối với một số loại trái cây khác như xoài, chuối, tuy đã có kết nối với doanh nghiệp nhưng về cơ bản chưa đạt được sự bền vững. Về kỹ thuật chăm sóc, hiện tại mới dừng ở mức theo quy trình của doanh nghiệp kết hợp với kinh nghiệm tập quán của người dân nên còn khá bấp bênh. Bên cạnh đó, hiện nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại vật tư khác tăng cao khiến giá thành sản xuất bị đội lên, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cũng như năng suất, chất lượng sản phẩm.

Do đó, để ổn định đầu vào và bảo đảm cho đầu ra nông sản, H.Định Quán khuyến khích người dân đăng ký tham gia các HTX sản xuất nông nghiệp, cùng liên kết giữa nông dân với nông dân, cũng như nông dân với doanh nghiệp để có thêm những kiến thức bài bản, bảo đảm được đầu ra cho nông sản sau khi thu hoạch mà không phải lo cảnh “dội chợ” mỗi khi tới mùa, nguy cơ được mùa rớt giá cho người dân.

H.Định Quán hiện có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 40,5 ngàn ha, chiếm tỷ lệ 42% so với diện tích đất tự nhiên (trên 97 ngàn ha). Trong đó, diện tích đất trồng cây hàng năm trên 9,7 ngàn ha, chiếm tỷ lệ 24%. Diện tích cây lâu năm đến năm 2021 đạt trên 32 ngàn ha, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, diện tích một số cây trồng chính như: xoài trên 7,2 ngàn ha, sầu riêng trên 884 ha, mít gần 2,6 ngàn ha… Hiện nay, huyện đang phối hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời triển khai các mô hình liên kết hợp tác sản xuất cho bà con nông dân.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều