Báo Đồng Nai điện tử
En

Mang thai ngoài tử cung và cách phòng ngừa

09:10, 25/10/2011

Mang thai bình thường, thai sẽ nằm trong tử cung người mẹ. Còn có thai nhưng túi thai nằm ở những vị trí khác  là mang thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời  sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Mang thai bình thường, thai sẽ nằm trong tử cung người mẹ. Còn có thai nhưng túi thai nằm ở những vị trí khác  là mang thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời  sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tử cung là cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Khi mang thai, bào thai sẽ phát triển tại đây. Sau khi thụ tinh, trứng sẽ đi ngược vào lòng tử cung để phát triển thành thai. Vì một lý do nào đó như vòi trứng bị tắc, hẹp hoặc trứng di chuyển quá chậm… nên thai “đậu” lại và phát triển tại vị trí đó.

Khi có thai, cần siêu âm sớm để biết thai đã nằm đúng vị trí chưa. Ảnh: U. Uyên
Khi có thai, cần siêu âm sớm để biết thai đã nằm đúng vị trí chưa. Ảnh: U. Uyên

Mang thai ngoài tử cung có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi trứng (thường gặp nhất), hoặc bám phía trên buồng trứng, thậm chí nằm trong ổ bụng hay nằm tại cổ tử cung. Trong các vị trí trên, thai đậu ngay tại đoạn nối giữa vòi trứng và tử cung là vị trí nguy hiểm nhất vì khó chẩn đoán sớm, thai vỡ nhanh, gây chảy máu nhiều và ảnh hưởng nặng nề đến khả năng có thai sau này.

Nguyên nhân của thai ngoài tử cung phần lớn là do kết quả của tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục kéo dài làm tắc, hẹp vòi trứng; can thiệp nạo phá thai nhiều lần hoặc do người phụ nữ bị mổ ở vùng bụng gây viêm dính… làm thay đổi hướng đi của trứng.

Theo bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, có thai, dù ngoài tử cung, người mẹ cũng có các triệu chứng của người có thai bình thường. Tuy nhiên, nếu gặp những triệu chứng bất thường như đau bụng, ra huyết cần nghĩ đến thai ngoài tử cung.

Nếu khối thai nằm bên trong vòi trứng, khi thai phát triển sẽ làm vòi trứng bị giãn to dần và căng phồng (gây đau thường xuyên vùng bụng dưới) và có thể bị rạn nứt (gây chảy máu ít, âm ỉ trong bụng); khối thai này lớn đến một mức độ nào đó vượt quá khả năng căng dãn của vòi trứng sẽ vỡ ra, khi đó làm chảy máu nhiều trong ổ bụng. Vì thế, nếu chị em thấy trễ kinh, đau bụng và chảy máu âm đạo, cần nghi ngờ là mang thai ngoài tử cung và nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) cho biết, mang thai ngoài tử cung để lại nhiều hệ lụy đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Hệ lụy cấp: với những trường hợp thai nằm tại vòi trứng, khi xảy ra tình trạng vỡ vòi trứng  người phụ nữ thường có cơn đau bụng dưới dữ dội, da xanh xao và cảm giác mệt lả. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng chảy máu trong ổ bụng sẽ càng ngày càng trầm trọng, có thể dẫn tới tử vong. Còn hệ lụy về lâu dài dễ dẫn đến khả năng tiếp tục mang thai ngoài tử cung ở những lần có thai sau; khả năng bị vô sinh cao hoặc khó có thai - nếu cả hai vòi trứng đã từng bị thai ngoài tử cung bám hoặc đã bị phẫu thuật cắt bỏ.

Vẫn có thể phòng ngừa mang thai ngoài tử cung. Một số lưu ý mà chị em trong độ tuổi sinh đẻ cần quan tâm. Đó là giữ gìn tốt vệ sinh kinh nguyệt, nhất là trong giai đoạn sau sanh và cho con bú; hạn chế nạo phá thai; nên đi khám thai sớm khi nghi ngờ có thai hoặc nghi ngờ thai ngoài tử cung; khi bị đau bụng hay ra máu bất thường vào giai đoạn sớm của thai kỳ; những người có tiền sử mang thai ngoài tử cung khi có thai nên thường xuyên có sự theo dõi của bác sĩ; khi có viêm nhiễm sinh dục nên được điều trị đầy đủ... Nên tuân thủ việc khám phụ khoa định kỳ và khám phụ khoa ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm sinh dục để tránh di chứng viêm dính gây tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến “hành trình” di chuyển của trứng sau khi thụ tinh.

Phi Trường


 

Tin xem nhiều