Báo Đồng Nai điện tử
En

Nấm xanh phòng trừ sâu hại lúa

10:10, 13/10/2011

Hiện nay, nhiều nông dân trồng lúa ở khu vực miền Tây rất rành về việc làm nấm xanh để phòng trừ sâu hại lúa. Đây là biện pháp sinh học phòng trừ dịch hại cây lúa đạt hiệu quả cao, lại vừa rẻ tiền vừa dễ làm mà còn hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học.

Hiện nay, nhiều nông dân trồng lúa ở khu vực miền Tây rất rành về việc làm nấm xanh để phòng trừ sâu hại lúa. Đây là biện pháp sinh học phòng trừ dịch hại cây lúa đạt hiệu quả cao, lại vừa rẻ tiền vừa dễ làm mà còn hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học. Nhiều nông dân khẳng định, việc dùng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu, côn trùng nhưng cả vụ chỉ tốn chưa đến 20 ngàn đồng/sào. Đối với bà con miền Đông, cụ thể là Đồng Nai thì sản phẩm nấm xanh còn khá xa lạ.

Nông dân xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu đang pha xịt nấm xanh.                                    Ảnh: H. GIANG
Nông dân xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu đang pha xịt nấm xanh. Ảnh: H. GIANG

Vụ mùa năm nay, Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai đã chuyển giao quy trình nhân nuôi nấm xanh của Trường đại học Cần Thơ cho bà con trồng lúa trong tỉnh tại 8 điểm ở các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Cẩm Mỹ, Định Quán và Tân Phú, mỗi điểm từ 10 - 25 hécta. Hiện nay, tất cả các điểm này đang thực hiện thí điểm, một số nơi đã đưa nấm vào ruộng lần 1 khi lúa khoảng 25 ngày tuổi và nhân nuôi lần 2 để có nấm dùng cho lúa đến 45 ngày tuổi. Cán bộ kỹ thuật phụ trách ở các điểm ứng dụng thực nghiệm nấm xanh đang điều tra tình hình sâu bệnh trên ruộng tại các thửa ruộng có phun nấm xanh và những ruộng không phun, để qua đó đánh giá hiệu quả khi cây lúa được 75 ngày tuổi.

Quy trình làm nấm xanh rất đơn giản, bao gồm các bước trình tự như sau: đầu tiên là ngâm gạo khoảng 1,5 tiếng thì vớt ra để khô ráo. Tiếp đó, cho 0,5kg gạo vào bịch ny-lông, đặt ống nước cắt khúc 4 phân có quấn bông gòn (loại không thấm), cột miệng lại rồi đem hấp tiệt trùng 2 tiếng. Sau đó lấy ra để nguội, vệ sinh tủ cấy bằng cồn 70 độ, rạch chia làm 6 phần meo nấm đựng trong đĩa thủy tinh có đường kính 10cm, cho mỗi phần vào mỗi bịch gạo. Đem để nơi thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời, mỗi ngày xốc trộn để không bị vón cục và nấm mọc đều, thời tiết mát mẻ thì 3-5 ngày hạt gạo chuyển màu xanh bạc, sau 10 -14 ngày gạo có màu xanh đậm hơn, dùng vải mùng lược lấy nước màu xanh chứa bào tử nấm xanh, pha thêm chất bám dính phun ngay lên lúa lúc chiều mát, hoặc sáng sớm nếu trời âm u không nắng gắt. Mỗi sản phẩm nấm xanh từ bịch gạo có thể sử dụng phun trên 2 sào lúa.

Bào tử nấm xanh nảy mầm và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 250C. Sau khi phun 4-5 ngày, vạch tìm ở các bụi lúa sẽ thấy côn trùng như rầy nâu chuyển màu trắng, đến 9-10 ngày thì rầy bị bao phủ bởi bào tử nấm xanh, nếu là rầy cám sẽ rơi xuống mặt nước. Ruộng lúa có phun nấm xanh, sau thu hoạch vẫn có thể duy trì nguồn nấm trên đồng thông qua các côn trùng bị ký sinh phát sinh ở vụ sau. Khi phun nấm xanh, không phun thuốc trừ sâu hóa học khác nhằm bảo vệ các loài thiên địch trên đồng ruộng, góp phần gia tăng hiệu quả phòng trừ sâu hại qua từng vụ. Trên ruộng lúa, nấm xanh chỉ phòng trừ sâu hại, nếu dùng thuốc trừ sâu thì hầu như không ảnh hưởng đến nấm, nhưng nếu dùng thuốc trừ bệnh tùy từng loại sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự sống còn của nấm.

Thạc sĩ Phương Chi


 

Tin xem nhiều