Báo Đồng Nai điện tử
En

Những điều cần biết về viêm não mô cầu

08:02, 14/02/2012

Bệnh viêm não mô cầu đang lan nhanh trong cả nước. Ngoài các biện pháp phòng ngừa như chủ động không đến những nơi đông người, điều kiện vệ sinh kém, tiêm phòng bệnh, người dân cũng cần hiểu về bệnh để có những phòng ngừa hiệu quả.

Bệnh viêm não mô cầu đang lan nhanh trong cả nước. Ngoài các biện pháp phòng ngừa như chủ động không đến những nơi đông người, điều kiện vệ sinh kém, tiêm phòng bệnh, người dân cũng cần hiểu về bệnh để có những phòng ngừa hiệu quả.

Viêm não mô cầu và cơ chế lây lan

Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, viêm não mô cầu do khuẩn não mô cầu nhóm C (Neisseria meningitidis) gây ra tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục. Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu.

Tiêm ngừa viêm não mô cầu.
Tiêm ngừa viêm não mô cầu.

Đây là căn bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Vi khuẩn não mô cầu có trong các dịch tiết khi ho, hắt hơi nên dễ lây lan và lây lan nhanh, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người.

Dấu hiệu đặc trưng

Triệu chứng viêm não mô cầu lúc khởi bệnh rất khó phân biệt với trường hợp nhiễm trùng toàn thân. Triệu chứng thường giống với những bệnh nhiễm khác như sốt, họ, buồn nôn, tiêu chảy, nhạy cảm với ánh sáng. Bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn khi theo dõi kỹ, sẽ thấy bệnh có những dấu hiệu đặc trưng phân biệt với những bệnh nhiễm khác, đó là tử ban (mảng xuất huyết có hoại tử ở trung tâm). Tử ban này lan nhanh về số lượng cũng như kích thước. Khi tử ban lan nhanh, người bệnh cần thận trọng vì có thể sẽ rơi vào thể tối cấp nguy hiểm. 

Nhiễm trùng huyết tối cấp chỉ chiếm 10-20% các trường hợp nhiễm trùng huyết do não mô cầu. Người mắc thể này diễn tiến bệnh rất nhanh, chỉ trong vòng vài giờ dẫn đến tình trạng suy hô hấp, sốc phổi và tử vong. Vì thế, nếu thấy người bệnh sốt đột ngột 39 - 40oC, đau đầu, chán ăn, kích thích, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sợ ánh sáng, cổ cứng, li bì, co giật… nên đưa sớm đến bệnh viện.

Cơ chế gây bệnh

Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, đi đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây bệnh ở đó, thời gian ủ bệnh thường là 3-4 ngày. Bệnh biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể bệnh như viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm khớp, viêm màng trong tim. Ở mỗi thể khác nhau, triệu chứng của người bệnh cũng biểu hiện khác nhau...  Khi vi khuẩn não mô cầu đi vào máu (không gây nhiễm trùng), đi vào màng não gây viêm màng não (gọi là viêm não mô cầu). Bệnh phát rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày. Những triệu chứng nặng sẽ xuất hiện rầm rộ sau đó. Tử ban xuất hiện sớm và lan tràn rất nhanh về số lượng cũng như kích thước. Những trường hợp nhiễm trùng huyết tối cấp có tỉ lệ tử vong rất cao.

Phòng ngừa bệnh

Theo bác sĩ Đa Hà, giống như các bệnh lây qua đường hô hấp, cách phòng chống là chủ động đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, vệ sinh sạch sẽ. Những người có tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân thì phải đeo khẩu trang và sử dụng kháng sinh hoặc thuốc dự phòng. Người sống trong khu vực có các bệnh nhân đã được chẩn đoán là bị nhiễm não mô cầu thì nên xem xét uống kháng sinh và tiêm vaccine dự phòng bệnh.

Phương Liễu (ghi)

Tin xem nhiều