Báo Đồng Nai điện tử
En

Cho trẻ ăn dặm thế nào là đúng cách?

08:05, 08/05/2012

Trẻ ăn dặm là một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng đối với trẻ từ việc bú sữa mẹ (ăn sữa ngoài) hoàn toàn sang bữa ăn có một phần thực phẩm. Nếu bé được cho ăn dặm đúng thời điểm, đúng cách, bé sẽ có những khởi đầu tốt đẹp.

Một chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cách nấu một bữa ăn dặm đủ dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ.
Một chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn cách nấu một bữa ăn dặm đủ dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ.

Trẻ ăn dặm là một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng đối với trẻ từ việc bú sữa mẹ (ăn sữa ngoài) hoàn toàn sang bữa ăn có một phần thực phẩm. Nếu bé được cho ăn dặm đúng thời điểm, đúng cách, bé sẽ có những khởi đầu tốt đẹp.

* Nên ăn dặm ở tháng thứ mấy?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Đẹp, Trưởng khoa dinh dưỡng (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), thời điểm cho trẻ ăn dặm tốt nhất là từ 4-6 tháng tuổi. Nếu cho ăn sớm (trước 4 tháng), cơ thể trẻ chưa có đủ men amylase để tiêu hóa chất bột, gây mệt cho bé; nếu cho trẻ ăn dặm muộn, sau 6 tháng tuổi, có nhiều khả năng trẻ sẽ đứng cân và tăng trưởng chậm, vì lúc này sữa mẹ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

* Nguyên tắc khi cho ăn dặm

Theo tư vấn của bác sĩ Đẹp, cho trẻ ăn dặm cũng cần theo nguyên tắc: ăn từ thứ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều và ăn xen kẽ với các cữ sữa. Tùy thể trạng từng bé, bạn có thể tập cho con bắt đầu chỉ vài muỗng bột để bé làm quen, ăn xen kẽ với các cữ sữa, sau đó mới tăng dần thành bữa chính.

* Ăn những gì và ăn như thế nào?

Trẻ dù nhỏ cũng cần cho ăn đủ 4 nhóm thực phẩm. Đó là nhóm bột đường (gạo, bắp, khoai…); nhóm đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu…); nhóm rau, củ (các loại rau xanh, củ quả, như: khoai tây, cà rốt, bí đỏ…) và dầu mỡ để giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo, đồng thời làm cho chén bột mềm, dễ nuốt.

Thời kỳ ăn dặm của bé chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn ăn bột (bắt đầu từ 4 -8 tháng tuổi): Hiện có nhiều loại bột dinh dưỡng đóng hộp sẵn đã có đủ  dưỡng chất cần thiết cho trẻ.

- Giai đoạn ăn cháo (bé được 9 - 10 tháng): Mẹ nên nấu cháo cho bé ăn. Không chỉ dùng nước hầm xương không, mà nên cho bé ăn cả xác thịt, cá, rau củ tán hoặc bằm nhỏ. Nên nấu sẵn một nồi cháo riêng, mỗi bữa múc cháo ra và cho thịt, cá, rau củ vào nấu chín, bắc ra thì cho một muỗng dầu ăn. Nếu cần xay nhuyễn hoặc rây thưa thì làm trước rồi mới nấu. Tránh nấu rồi mới đem xay hoặc tán sẽ mất chất. Nên cho bé ăn lạt.

- Giai đoạn ăn cơm (từ sau 1 tuổi): Khi bé đã có gần đủ hàm răng để có thể nhai cơm.  Cơm cần nấu mềm, các loại thịt, cá xé nhỏ, canh rau cắt ngắn để bé nhai không  bị hóc.

Ngoài ra, đối với bé gần 1 tuổi, mỗi ngày có thể bổ sung cho bé nửa hũ sữa chua, 1 miếng phô mai nhỏ. Ngoài ra, bé cũng cần được cho ăn thêm chuối, đu đủ và những trái cây mềm để giúp tiêu hóa tốt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ.

Uyên Uyên  (ghi)

 

 

 

 

Tin xem nhiều