Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng trừ một số loại bệnh hại tôm nuôi

08:06, 14/06/2012

Gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn nước diện tích nuôi tôm trong tỉnh giảm hàng ngàn hécta. Dưới đây là một số biện pháp phòng trừ các loại bệnh thường xảy ra với tôm nuôi.

Gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn nước diện tích nuôi tôm trong tỉnh giảm hàng ngàn hécta. Dưới đây là một số biện pháp phòng trừ các loại bệnh thường xảy ra với tôm nuôi.

Khoảng 3 năm về trước, diện tích nuôi tôm của Đồng Nai là trên 1.500 hécta. Thế nhưng gần đây, do dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm diện tích nuôi tôm trong tỉnh giảm xuống chỉ còn gần 300 hécta. Tôm ở Đồng Nai đa số được nuôi ở các huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Loại tôm được nuôi nhiều là thẻ chân trắng.

* Bệnh đốm trắng

Đây là bệnh thường gặp và gây thiệt hại lớn nhất cho tôm nuôi. Bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa, giữa mùa mưa hoặc cuối mùa mưa đầu mùa khô, khi tôm nuôi được khoảng 45-60 ngày tuổi. Bệnh lan truyền theo phương thức từ sinh vật này sang sinh vật khác qua môi trường nước hoặc truyền từ tôm bố mẹ sang con.

Nuôi tôm ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch).   Ảnh: N. Hạ
Nuôi tôm ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: N. Hạ

Đặc điểm bệnh lý là tôm bị bệnh có màu hồng đến hồng đỏ, xuất hiện những đốm màu trắng có đường kính từ 0,5-3mm ở mặt trong lớp vỏ vùng đầu ngực và đốt bụng thứ 5, 6, sau đó lan ra toàn thân. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% trong vòng 3-5 ngày.

* Bệnh đầu vàng

Bệnh lan truyền từ con tôm này sang con tôm khác qua môi trường nước. Đặc điểm bệnh lý là tôm bị bệnh có biểu hiện ăn nhiều một cách khác thường, sau đó ngừng ăn, với sự xuất hiện màu vàng ở phần đầu ngực và sự nhạt màu của toàn cơ thể, tôm bơi lờ đờ trên mặt nước và ven bờ rồi chết với mức độ tăng dần trong vòng 2-4 ngày, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.

* Hội chứng Taura

 Loài tôm thẻ chân trắng dễ nhiễm bệnh này ở giai đoạn 14-40 ngày tuổi. Hội chứng Taura có thể lan truyền theo môi trường nước hoặc từ tôm bố mẹ sang con. Tôm mắc bệnh này ở thể cấp tính, đuôi tôm phồng lên và chuyển sang màu đỏ. Tỷ lệ chết 40-90% trong vòng 5-20 ngày. Giai đoạn chuyển tiếp tôm xuất hiện các đốm đen trên biểu bì, phồng đuôi và chuyển màu đỏ (người ta thường gọi là bệnh đỏ đuôi). Nếu bệnh chuyển sang thể mãn tính xuất hiện nhiều đốm nhiễm melanin.

* Bệnh hoại tử cơ

Loại tôm dễ bị bệnh này là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và có thể nhiễm ở tất cả giai đoạn.Tuy nhiên, bệnh thường được thấy nhiều trên tôm thẻ chân trắng. Bệnh lan truyền qua môi trường nước và từ mẹ sang con. Bệnh mới xuất hiện là các điểm nhỏ sau đó lan dần ra, thường phần đuôi tôm xuất hiện màu trắng đục. Tôm chân trắng nhiễm bệnh hoại tử cơ có tỷ lệ chết từ 35 - 55%, thậm chí còn cao hơn. Nồng độ muối và nhiệt độ môi trường cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

* Hội chứng hoại tử gan tụy

Bệnh này xuất hiện nhiều ở tôm sú giai đoạn 20-30 ngày sau khi thả nuôi và ở tôm chân trắng sau 30-35 ngày thả nuôi. Đặc điểm bệnh lý, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng. Tôm chậm lớn và thường chết ở đáy ao, đầm. Giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, biến màu. Giải phẫu thấy gan mềm, sưng to hoặc gan tụy bị teo. Kiểm tra mô bệnh học, phát hiện có các đốm đen trên gan tụy hoại tử, có vi khuẩn trong nguyên sinh chất và mô liên kết của các tế bào.

* Cách phòng bệnh

Để tôm nuôi ít mắc các bệnh như nêu trên, người nuôi phải chú ý cải tạo ao nuôi thật tốt trước khi tiến hành nuôi. Chọn giống tôm nuôi tốt, môi trường trong ao nuôi tôm phải luôn sạch sẽ. Đồng thời áp dụng chặt chẽ các kỹ thuật nuôi. Cho tôm ăn đủ, đúng cách và thường xuyên thay nước sạch vào ao nuôi.

Ngoài ra, người nuôi tôm thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao và nguồn nước ra vào ao. Khi thay nước vào ao nuôi tôm phải thay từ từ và không nên thay gần hết để tránh sốc cho tôm do môi trường thay đổi đột ngột.

Khi phát hiện tôm bị bệnh, phân biệt xem tôm mắc loại bệnh nào, sau đó người nuôi sử dụng các thuốc đặc trị để trị bệnh cho tôm. Chú ý dùng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng cách.

Nguyệt Hạ (tổng hợp)

 

Tin xem nhiều