Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm hiểu về bệnh gút

11:02, 25/02/2013

Theo bác sĩ Hoàng Văn Thuận, Trưởng khoa ngoại - thần kinh (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất), gút (goute - còn gọi là bệnh thống phong), là loại bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống do nồng độ acid uric quá cao trong huyết tương, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của acid uric) hoặc tinh thể acid uric tại các khớp xương. Bệnh gút tiến triển trong nhiều năm.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Thuận, Trưởng khoa ngoại - thần kinh (Bệnh viện đa khoa Thống Nhất), gút (goute - còn gọi là bệnh thống phong), là loại bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống do nồng độ acid uric quá cao trong huyết tương, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của acid uric) hoặc tinh thể acid uric tại các khớp xương. Bệnh gút tiến triển trong nhiều năm. Giai đoạn cuối, bệnh nhân mất khả năng vận động, có nhiều biến chứng ở thận, suy kiệt dần dẫn đến tử vong.

Các khớp xương tay một bệnh nhân gút bị biến dạng và sưng phình.
Các khớp xương tay một bệnh nhân gút bị biến dạng và sưng phình.

Triệu chứng và biểu hiện của bệnh

Nếu sau khi ăn một bữa tiệc với nhiều thực phẩm giàu đạm, uống nhiều rượu bia, một người thấy đau nhức ở các khớp, khả năng người đó đã bị bệnh gút.

Bệnh xuất hiện do hàm lượng acid uric trong máu tăng cao, triệu chứng điển hình là nổi u cục hoặc viêm ở các khớp xương. Theo bác sĩ Thuận, các u cục có đường kính từ vài mm đến vài cm, không đau, thường xuất hiện ở khớp ngón chân, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, sụn vành tai... Đôi khi, chỗ da bọc khối u bị loét và chảy nước vàng. Ở tình trạng viêm mãn tính, bệnh diễn biến chậm và gây đau nhẹ ở các khớp bàn chân, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối. Viêm cấp tính (thường xuất hiện sau khi ăn nhiều thực phẩm giàu đạm và uống nhiều rượu bia), cơn đau ở các khớp trở nên dữ dội. Các khớp sưng phình, dưới da xuất hiện các hạt urat, di động được. Xét nghiệm máu lúc này sẽ thấy lượng acid uric tăng cao trên 400 micromol/lít.

Những người có nguy cơ mắc bệnh gút là người dễ bị tăng acid uric máu do chuyển hóa kém; tiền sử gia đình có người bị bệnh gút; thừa cân và béo phì; ăn uống không hợp lý, chế độ ăn có quá nhiều thực phẩm giàu đạm, đặc biệt là ăn nhiều hải sản, thịt đỏ các loại, lục phủ ngũ tạng; nghiện rượu bia và cà phê; dùng nhiều thuốc lợi tiểu…

Phòng tránh bệnh gút

Do đây là bệnh liên quan đến chế độ ăn uống nên việc phòng tránh phải bắt đầu từ việc thực hiện chế độ ăn uống đủ chất và hợp lý. Bữa ăn hàng ngày cần bảm bảo có đầy đủ các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối; ăn vừa phải các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin, như: thịt, hải sản, các loại phủ tạng động vật; hạn chế tình trạng uống quá nhiều rượu, bia, cà phê; uống đủ nước để giúp cơ thể thải bớt lượng uric khỏi cơ thể qua việc bài tiết; sử dụng thường xuyên các thực phẩm chứa ít acid uric trong chế biến bữa ăn hàng ngày, như: ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, trứng, sữa, phomat, rau quả. Đặc biệt, chế độ ăn cơm nấu bằng gạo lứt và mè hạt các loại có tác dụng rất tốt cho người bị bệnh gút; hạn chế ăn các loại quả chua vì sẽ làm tăng thêm độ acid trong máu; tập thể dục và thực hiện chế độ vận động thường xuyên để hạn chế tình trạng sưng ở các khớp xương. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chế độ ăn uống và sử dụng thuốc chữa bệnh hợp lý theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ mới có thể khống chế được bệnh này.

Phương Liễu (ghi)

 

Tin xem nhiều