Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiêm chủng và những điều cần biết

10:07, 29/07/2013

Tiêm chủng (còn gọi là chủng ngừa) là một biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Ngày nay, với sự phát triển của y học, đã có nhiều loại vaccine được sản xuất ra để giúp con người ngăn chặn sự xâm nhập của virus gây bệnh.

Tiêm chủng (còn gọi là chủng ngừa) là một biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Ngày nay, với sự phát triển của y học, đã có nhiều loại vaccine được sản xuất ra để giúp con người ngăn chặn sự xâm nhập của virus gây bệnh.

* Tiêm chủng là gì?

Khi bị một sinh vật xâm nhập vào thì cơ thể sẽ nhận biết được sự xâm nhập này và sản xuất ra những chất gọi là kháng thể. Kháng thể có 2 nhiệm vụ: Tiêu diệt vi sinh vật đó và tồn tại trong máu trong một thời gian dài để bảo vệ cơ thể chống lại chính vi sinh vật đó trong những lần xâm nhập về sau.

Bảo quản vaccine trong quá trình tiêm tại Trạm y tế xã Bảo Quang (TX. Long Khánh).
Bảo quản vaccine trong quá trình tiêm tại Trạm y tế xã Bảo Quang (TX. Long Khánh).

Do vậy, theo bác sĩ  Trần Minh Hòa, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh), tiêm chủng là việc đưa vaccine vào cơ thể người chưa bị nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn để kích thích cơ thể đó sản xuất kháng thể, chống lại vi sinh vật trước khi chúng gây bệnh cho cơ thể.

* Vaccine là gì?

Thuốc chủng ngừa được gọi là vaccine. Vaccine là những chế phẩm được sản xuất từ chính vi sinh vật (hoặc từ một phần cấu trúc) đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi và được tiêm vào cơ thể. Vì vậy vaccine không có khả năng hoặc hiếm khi gây bệnh cho cơ thể.

* Những lợi ích từ tiêm chủng

Tiêm chủng có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc những bệnh do vi sinh vật gây nên. Không những thế, tiêm chủng còn giúp những người sống quanh người bệnh không bị nhiễm căn bệnh của người đó. Nhờ có chủng ngừa mà nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được khống chế, thậm chí được thanh toán hoàn toàn, như: bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh hoặc làm giảm tác dụng của nhiều loại bệnh nguy hiểm, như: lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, thương hàn, viêm gan siêu vi B cho trẻ em và phụ nữ mang thai, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh này trong cộng đồng.

* Những ai cần phải tiêm chủng?

Mọi người đều cần phải tiêm chủng để được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, các đối tượng cần ưu tiên là: trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm ngừa có thể tạm hoãn đối với những người đang có tình trạng nhiễm trùng cấp tính hoặc có dị ứng với những thành phần của vaccine.

* Khi nào cần tiêm chủng?

Việc chủng ngừa có thể được thực hiện ngay từ lúc trẻ còn rất nhỏ, như: tiêm ngừa lao được thực hiện ngay sau khi sinh cho đến suốt đời, viêm gan B được khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh... Tùy theo lứa tuổi có thể có đáp ứng miễn dịch, tình trạng sức khỏe bản thân cũng như các yếu tố gia đình, điều kiện môi trường xung quanh... sẽ có những khuyến cáo sử dụng các loại vaccine phù hợp. Việc bắt đầu chủng ngừa một loại vaccine cần phải tuân thủ theo lịch tiêm chủng, phải có chỉ định tiêm ngừa của bác sĩ và theo dõi của nhân viên y tế.

* Nên chủng ngừa những bệnh nào?

Hiện nay, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vaccine  phòng bệnh, nhờ đó số người bị những bệnh này đã giảm xuống rõ rệt. Những trẻ được sinh ra cần được tiêm chủng các bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, gồm: lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi và viêm gan siêu vi B. Chương trình áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai và được thực hiện miễn phí tại tất cả các trạm y tế phường, xã và khoa sản của các bệnh viện công lập.

Ngoài ra, tại một số cơ sở y tế được phép tiêm chủng dịch vụ theo yêu cầu, có thể thực hiện tiêm chủng nhiều loại vaccine phòng các bệnh, như: viêm gan siêu vi A, B, viêm não Nhật Bản, thương hàn, quai bị, sởi, rubella, thủy đậu, viêm màng não mủ do Hib, viêm màng não mủ do não mô cầu, cúm, viêm phổi, bại liệt... cho tất cả những ai có nhu cầu.

Cách xử lý biến chứng sau tiêm

Theo bác sĩ Trần Minh Hòa, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh), tiêm chủng có thể dẫn đến một số phản ứng sau tiêm, nhưng phần lớn là phản ứng nhẹ, rất hiếm trường hợp phản ứng tử vong sau tiêm. Tuy nhiên, nếu không tiêm chủng thì khi bị bệnh sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với các phản ứng do tiêm chủng gây ra. Tùy từng loại vaccine mà có tác dụng phụ khác nhau và tùy theo những tác dụng phụ đó mà có những cách xử trí khác nhau.

 - Đối với những phản ứng nhẹ, như: sưng đau tại chỗ tiêm và sốt nhẹ, có thể xử trí tại nhà bằng cách cho uống Paracetamol và chườm lạnh chỗ tiêm.

- Đối với những phản ứng nặng hơn, như: sốt cao, co giật, tím tái... cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp.

* Lưu ý: Theo dõi các phản ứng sau tiêm vaccine, nếu da trẻ có tím tái, mệt, sốt cao, trẻ khóc nhiều không dứt cần phải đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất.    

   Phi Trường (ghi)

 

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều