Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều tác hại khi lạm dụng kháng sinh

08:12, 24/12/2013

Theo báo cáo của Trường đại học  dược Hà Nội tại hội nghị tổng kết các hoạt động cảnh giác dược năm 2013 mới đây, người Việt Nam sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần ở các nước châu Âu.

Theo báo cáo của Trường đại học  dược Hà Nội tại hội nghị tổng kết các hoạt động cảnh giác dược năm 2013 mới đây, người Việt Nam sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần ở các nước châu Âu. Đặc biệt, tình trạng dùng kháng sinh tùy tiện, lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh tự điều trị đã đến mức báo động với tỷ lệ ở thành thị là 88% và ở nông thôn là 91%.

* Cứ bệnh là dùng kháng sinh

Kháng sinh là nhóm thuốc dùng để điều trị những bệnh do vi khuẩn gây ra. Kháng sinh có tác dụng diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn để tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của cơ thể người tự giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đang đẩy nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn đến tình trạng khó chữa vì không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu.

Phân loại thuốc tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Uyên Uyên
Phân loại thuốc tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Uyên Uyên

Tình trạng kháng sinh được mua bán dễ dàng tại các nhà thuốc, bán không cần chẩn đoán và không cần toa; nhiều người dân lầm tưởng  kháng sinh chữa được các bệnh, nên cứ  bị bệnh là tự mua kháng sinh về uống; ngay cả bác sĩ trong bệnh viện cũng có khuynh hướng chỉ định kháng sinh nhiều hơn mức cần thiết về mặt y học... Do đó, lạm dụng kháng sinh trở nên phổ biến.

* Tự đầu hàng bệnh tật

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dùng kháng sinh không đúng rất có hại. Đầu tiên là gây khó khăn cho chẩn đoán, chẳng hạn như bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm lu mờ các triệu chứng, gây khó chẩn đoán.

Ở một số bệnh, kháng sinh có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây phản ứng phụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao, nhất là kháng sinh Chloramphenicol (điều trị nhiễm khuẩn) có khả năng gây suy tủy. Một số kháng sinh, như: Streptomycine, Kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) đã nghiên cứu tại các bệnh viện ở Mỹ và ghi nhận các bác sĩ đã chỉ định kháng sinh cho bệnh nhân bị viêm họng khoảng 60% bệnh nhân, trong khi số bệnh nhân cần thiết dùng kháng sinh chỉ khoảng 10%. Đối với bệnh viêm phế quản cấp, kháng sinh hoàn toàn không được yêu cầu dùng, nhưng các bác sĩ chỉ định tới một con số ngạc nhiên là 73% bệnh nhân trong cùng tình trạng. Điều này làm cho bệnh càng thêm nặng ở những lần sau.

Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn lờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Một phát hiện khác đáng quan tâm hơn nữa: thuốc kháng sinh đắt tiền như azithromycin (điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục) có thể gia tăng nguy cơ đột tử ở người lớn đã mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim.

Lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh không đúng gây lãng phí lớn, bởi nhiều bệnh có nguyên nhân do virus không thể chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh. Nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard cũng ước tính khoảng 500 triệu USD đã chi cho kháng sinh chỉ định không cần thiết đối với bệnh đau họng (trong khoảng từ năm 2010-2013). Nếu tính luôn chi phí xử lý các phản ứng phụ của kháng sinh không cần thiết như tiêu chảy và bội nhiễm men ruột, nhóm nghiên cứu kết luận tốn kém thêm gấp 40 lần nữa.

Cũng tại hội nghị tổng kết các hoạt động cảnh giác dược năm 2013, ông Cao Thái Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định: “Cần có những biện pháp giám sát, sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và các cơ sở y tế. Ngoài việc thành lập ban chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng kháng sinh hợp lý, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng dùng kháng sinh tùy tiện”. Và để làm được việc này, ông Cao Thái Hưng  khuyến cáo các bác sĩ lâm sàng phải tiên phong, tránh lạm dụng kê đơn thuốc “quá tay”, đồng thời khai thác kỹ hơn về tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân để có kê đơn thuốc phù hợp.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều