Báo Đồng Nai điện tử
En

Khớp vai và các bệnh lý liên quan

11:07, 21/07/2014

Mọi hoạt động của con người gần như liên quan đến đôi bàn tay và đôi bàn tay có thể cử động khéo léo được là nhờ khớp vai có thể quay 360O. Đây cũng là khớp chịu nhiều tác động, vì thế nó có nguy cơ bị nhiều bệnh lý liên quan mà triệu chứng dễ nhận ra nhất là đau khớp vai.

Mọi hoạt động của con người gần như liên quan đến đôi bàn tay và đôi bàn tay có thể cử động khéo léo được là nhờ khớp vai có thể quay 360O. Đây cũng là khớp chịu nhiều tác động, vì thế nó có nguy cơ bị nhiều bệnh lý liên quan mà triệu chứng dễ nhận ra nhất là đau khớp vai.

Bác sĩ Phan Trọng Anh, giảng viên Trường đại học y dược Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh), cho biết đau khớp vai là hội chứng đau mà người bệnh thường nhức buốt vùng khớp vai, buốt lan lên cổ gáy, cảm giác tê các đầu ngón tay, cử động tay khó khăn.

* Đau khớp vai do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau khớp vai.

Thoái hóa đĩa đệm khớp vai: Khớp vai là khớp vận động đa chiều, nếu hoạt động quá tải hoặc vận động sai lệch do nghề nghiệp đều có thể gây ra tình trạng thoái hóa đĩa sụn, trường hợp này gây đau nhức thường xuyên, đặc biệt khi vận động.

Bác sĩ Phan Trọng Anh (bìa trái) chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi khớp vai cho các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Bác sĩ Phan Trọng Anh (bìa trái) chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi khớp vai cho các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Viêm dây thần kinh vai: Thường thì khi bị nhiễm lạnh hay bị chấn thương, bị chèn ép vì tư thế ngủ, ngồi sai lệnh, vận động cánh tay quá đột ngột gây trật khớp vai, có nhiều trường hợp do bị vôi hóa khớp vai, từ đó gây nên  tình trạng chèn ép dây thần kinh và viêm dây thần kinh vai, gây đau.

Vôi hóa khớp vai: Sai lệch trong vận động, rối loạn dinh dưỡng, suy chức năng gan và các bệnh về xương gây nên tình trạng khớp bị calci hóa tạo nên các khối hay gai vôi ở khớp, cản trở sự vận động và chèn ép dây thần kinh. Đây là căn bệnh thường gặp, gây nên các cơn đau kinh niên ở khớp vai.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, như: dây chằng yếu, không giữ nổi khớp vai; tổn thương xương đòn do phải làm việc quá mạnh và tay phải vung qua đầu nhiều lần nên xương đòn bị tổn thương; viêm dây chằng do vận động sai lệch hoặc stress.

* Điều trị các bệnh lý đau khớp vai

Trong hầu hết các trường hợp bị đau khớp vai có thể áp dụng liệu pháp châm cứu và vật lý trị liệu để cắt cơn đau và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, tùy nguyên nhân gây đau mà có những phương pháp điều trị khác nhau. Ngoài châm cứu giảm đau, với các bệnh nhân bị thoái hóa đĩa sụn và vôi hóa khớp vai, biện pháp điều trị tích cực có hiệu quả vẫn là liệu pháp giải phẫu. Theo bác sĩ Phan Trọng Anh, ngày nay y học phát triển, việc giải phẫu đã trở nên đơn giản và mang lại hiệu quả cao. Theo đó, các phương pháp điều trị, như: bắn tia laser, mổ nội soi kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu… sẽ giúp người bệnh khắc phục đáng kể tình trạng bệnh và những cơn đau. Các phương pháp điều trị này giúp giảm thời gian nằm viện, giảm nguy cơ nhiễm trùng rất nhiều so với phẫu thuật hở như trước đây.

* Phòng tránh các bệnh lý khớp vai

Theo bác sĩ Phan Trọng Anh, bệnh viêm khớp vai thường đến một cách âm thầm và sớm hơn người ta tưởng vì giai đoạn đầu không có biểu hiện gì khác thường. Nhiều người thường nghĩ viêm khớp vai chỉ xảy ra ở người già, nhưng trên thực tế bệnh có thể xảy ra những người độ tuổi trên 40 hoặc có thể thấp hơn, đặc biệt với những người đã từng bị tổn thương xương khớp.

Để phòng tránh bệnh viêm khớp vai sớm, nên thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường các thực phẩm rau xanh, vitamin C, E, các thực phẩm giàu axit béo omega-3. Trong vận động hàng ngày, chọn tư thế ngồi đúng cách, lưng thẳng, ghế có tựa để giảm tối đa lực ép lên đĩa đệm, tránh các bệnh về xương cột sống. Trong sinh hoạt, không cố hết sức để với cao, với xa hay khiêng vác vật nặng… vì tất cả các động tác quá sức gây ra căng cơ, dễ trật khớp và cũng dễ tạo ra vi chấn thương lên ổ khớp vai. Đặc biệt là không nên có các cử chỉ bẻ tay, bẻ cổ đột ngột kêu răng rắc. Điều này dẫn đến khớp vai, đốt sống cổ bị trật khỏi vị trí hoặc làm nứt xương đầu khớp, sái gân cơ và gây đau.

Phương Liễu (ghi)

 

 

 

Tin xem nhiều