Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ mù lòa do viêm loét giác mạc

09:11, 18/11/2014

Viêm loét giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm thường gặp trong nhãn khoa. Ở Việt Nam, bệnh viêm loét giác mạc là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 3 sau đục thủy tinh thể và cườm nước (Glôcôm).

Viêm loét giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm thường gặp trong nhãn khoa. Ở Việt Nam, bệnh viêm loét giác mạc là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 3 sau đục thủy tinh thể và cườm nước (Glôcôm).

Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Hiển,  Phó khoa mắt Bệnh viện đa khoa  Đồng Nai, bệnh nhân bị viêm loét giác mạc thường có các triệu chứng: đau nhức mắt dữ dội, cộm mắt giống như có vật lạ trong mắt, mủ hay dịch tiết nhiều, sợ ánh sáng, nhìn mờ, mắt bị đỏ (đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen), tròng đen có đốm trắng bất thường hoặc có ngấn mủ ở phía sau.

Viêm loét giác mạc thật sự cần điều trị sớm. Nếu không điều trị sớm, loét có thể lan rộng một phần hoặc toàn bộ giác mạc và ảnh hưởng tới các bộ phận khác của mắt và bị mù trong một thời gian ngắn. Khi lành bệnh sẽ để lại sẹo, vết sẹo mỏng hay dày, to hay nhỏ tùy thuộc vào tình trạng của bệnh. Nếu phát hiện muộn, bệnh tiến triển nặng sẽ gây thủng giác mạc, đục thủy tinh thể, cườm nước.

Bác sĩ Hiển khuyến cáo, viêm loét giác mạc là một bệnh nặng dễ để lại di chứng về sau nếu phát hiện trễ và điều trị không đúng. Do đó, vấn đề phòng bệnh là quan trọng nhất. Nếu bị dị vật vào mắt, bệnh nhân không dùng tay dụi mắt vì sẽ làm trầy xước giác mạc, nên chớp mắt liên tục trong một ly nước sạch để loại bỏ dị vật ra khỏi mắt. Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật nên đến bác sĩ chuyên khoa mắt để thăm khám và giúp lấy dị vật ra.

Nếu bị các bệnh về mắt, như: đau mắt đỏ, lông quặm; hay mắt xuất hiện các triệu chứng, như: mắt nhìn mờ, đau chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng, có dị vật, côn trùng văng vào mắt... người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được điều trị đúng cách, tránh biến chứng dẫn đến viêm loét giác mạc. Không tự ý dùng các loại lá cây hoặc côn trùng đắp vào mắt.

Cần đeo kính chống bụi khi đi đường, đeo kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi, mạt sắt, khi phay tiện, hàn điện. Nếu khô mắt hoặc mắt nhắm không kín phải sử dụng thuốc nhỏ nước mắt nhân tạo. Nếu mang kính áp tròng, bạn cẩn trọng về kính: dung dịch bảo vệ, không rửa kính dưới vòi nước, không sử dụng thời gian kéo dài, cũng như rửa tay sạch trước khi đeo kính vào mắt.

Hoài An (ghi)

 

 

 

Tin xem nhiều