Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhập viện ồ ạt vì bệnh hô hấp

11:07, 28/07/2015

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, số ca nhập để điều trị về bệnh hô hấp tăng đáng kể, đa phần là người già và trẻ em.

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, số ca nhập để điều trị về bệnh hô hấp tăng đáng kể, đa phần là người già và trẻ em.

Trong 2 tuần qua, tại khoa hô hấp của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, số ca bệnh mới nhập viện tăng cao, mỗi ngày có từ 70-80 ca điều trị nội trú, trong đó có 20-30 ca mới nhập viện (tăng 50% so với những ngày trước đó). Theo bác sĩ trưởng khoa hô hấp Phạm Thị Thu Thủy, nguyên nhân do thời tiết thay đổi thất thường, lúc nắng nóng, lúc mưa lạnh đã tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh về hô hấp phát triển.

* Quá tải nội trú

 Tại khoa hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đều chật kín các giường bệnh. Trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp đa số dưới 5 tuổi do viêm phế quản, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, hen... Trong đó, nhiều nhất là bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi với các biểu hiện ban đầu là sốt, ho, sổ mũi. Tuy nhiên, một số trường hợp bị viêm phổi nặng gây khó thở, khò khè, thở co rút ngực nên phải được hỗ trợ thở oxy.

Nhiều người già nhập viện vì bệnh hô hấp. Trong ảnh: Điều dưỡng Khoa hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chăm sóc cho một bệnh nhân lớn tuổi. Ảnh: Đặng Ngọc
Nhiều người già nhập viện vì bệnh hô hấp. Trong ảnh: Điều dưỡng Khoa hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chăm sóc cho một bệnh nhân lớn tuổi. Ảnh: Đặng Ngọc

Tương tự, tại khoa hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, các ca bệnh mới nhập viện mỗi ngày đều tăng, trung bình mỗi ngày có 20 ca bệnh mới nhập viện, nâng tổng số bệnh điều trị nội trú trong khoa lên 70 bệnh. Do khoa chỉ có 40 giường nội trú nên phải kê thêm 10 ghế bố nhưng cũng không đủ, phải gửi bệnh nhân nhẹ qua các khoa khác để điều trị. Phần lớn bệnh nhân là người già từ 60-80 tuổi. Đa số bệnh nhân có bệnh mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen suyễn, trong đó có rất nhiều trường hợp nặng phải thở oxy.

Đơn cử như ông Nguyễn Xuân Lâm, 70 tuổi, ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) đã nằm viện điều trị hơn 1 tuần nay vì bệnh COPD tái phát. Ông Lâm cho biết ở nhà ông ho 4-5 ngày liên tục không hết, ho đến đau quặn ruột, khó thở nên phải nhập viện để được điều trị tích cực bằng tiêm thuốc và thở oxy. Từ đầu năm 2015 đến nay, ông phải nhập viện 5 lần, hễ thời tiết thay đổi là bệnh COPD trở nặng.      

* Phòng ngừa bệnh hô hấp

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, từ nay đến tháng 10, thời tiết sẽ diễn biến thất thường, các ca bệnh liên quan đến hô hấp sẽ tiếp tục tăng cao, trong đó đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người có bệnh COPD, hen suyễn do sức đề kháng yếu. Bác sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, lưu ý thay đổi thời tiết là yếu tố khởi phát của bệnh COPD và hen. Nếu các bệnh nhân bị bệnh mãn tính nói trên bị nhiễm cảm cúm hoặc các bệnh khác kèm theo sẽ gây ra đợt bệnh cấp nặng. Nếu trong đợt cấp không được điều trị đúng, điều trị đủ thì nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khuyến cáo khi trẻ sốt cao, ho nhiều nên đi khám bác sĩ để xác định tình trạng bệnh. Phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu nặng cần phải nhập viện để theo dõi và điều trị khi trẻ nhỏ bú kém, ngủ li bì, lừ đừ, thở mạnh làm co lõm bẹ sườn, lõm ức... Đây là dấu hiệu bệnh viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời bệnh trở nặng gây nhiễm trùng đường huyết, suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ.

Do đó để phòng ngừa các bệnh hô hấp ở các bệnh nhân bệnh COPD và hen, theo bác sĩ Nguyễn Văn Nam, cần tránh tiếp xúc với thời tiết lạnh, không khí lạnh, những nơi có độ ẩm cao; cần tiêm ngừa cảm cúm hàng năm để tránh bị nhiễm cảm cúm. Song song đó, các bệnh nhân này phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đầy đủ, đúng cách, đúng liều. Đồng thời có các biện pháp ngừa nhiễm khuẩn hô hấp, như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh chỗ ở thông thoáng, tập thể dục hàng ngày, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Trong trường hợp người bệnh khó thở, dùng thuốc không đỡ thì phải sớm nhập viện để được điều trị tích cực, tránh bệnh trở nặng.

Tương tự, để phòng ngừa bệnh về hô hấp cho trẻ nhỏ, theo bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy, phụ huynh cần chú ý tiêm ngừa ho gà, bệnh cúm cho trẻ. Điều quan trọng là luôn giữ ấm cho trẻ, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đặc biệt là luôn chú ý rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Việc rửa tay bằng xà phòng giúp trẻ không chỉ phòng ngừa bệnh về hô hấp mà cả các bệnh về tiêu hóa, tay chân miệng.

Đặng Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều