Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh tăng huyết áp làm tổn thương mắt như thế nào ?

10:08, 29/08/2016

Bệnh võng mạc tăng huyết áp là những tổn hại ở võng mạc do tăng huyết áp gây nên. Huyết áp tăng cao làm tổn thương những mạch máu cung cấp máu cho võng mạc dẫn đến tổn thương các tế bào của võng mạc, gây giảm thị lực.

Bệnh võng mạc tăng huyết áp là những tổn hại ở võng mạc do tăng huyết áp gây nên. Huyết áp tăng cao làm tổn thương những mạch máu cung cấp máu cho võng mạc dẫn đến tổn thương các tế bào của võng mạc, gây giảm thị lực.

LÂM SÀNG

Co hẹp động mạch: co mạch có thể tại một khu vực hay toàn bộ võng mạc, làm cho động mạch có vẻ cứng, thẳng, chia nhánh vuông góc tạo ra hình ảnh thưa thớt của hệ mạch võng mạc.

Dấu hiệu xơ cứng động mạch: Ánh động mạch có hình ảnh “sợi dây đồng”, “sợi dây bạc”. Những dấu hiệu xơ cứng mạch này có thể gặp ở người không có huyết áp cao, nhưng đó thường là biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tăng huyết áp.

Dấu hiệu bắt chéo động - tĩnh mạch: Những bắt chéo động - tĩnh mạch bình thường thì không có sự thay đổi khẩu kính, màu sắc mạch máu. Khi có quá trình xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ “đè bẹp” tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn.

Xuất huyết võng mạc: Là những xuất huyết nông có hình ngọn nến nằm dọc theo các sợi thần kinh quanh những mạch máu lớn ở gần đĩa thị, có thể có những xuất huyết sâu hơn hình chấm, hình tròn ở khắp võng mạc.

Xuất tiết bông (hay còn gọi là xuất tiết mềm): Đó là những đám màu trắng, bờ không rõ, nằm nông che lấp các mạch máu.

Xuất tiết cứng: Là những đám màu vàng, nằm sâu, ranh giới rõ, thường ở cực sau; có khi sắp xếp theo hình nan hoa, lan tỏa quanh hoàng điểm tạo thành sao hoàng điểm; đôi khi tập trung lại tạo nên đám thâm nhiễm lớn.

Phù đĩa thị giác: Bờ đĩa thị mờ, ranh giới không rõ, hơi nhô lên, màu trắng, các tĩnh mạch giãn, cương tụ, kèm theo giãn mao mạch. Đôi khi có một số xuất huyết trước đĩa thị.

ĐIỀU TRỊ

1. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh võng mạc tăng huyết áp nên phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị huyết áp.

2. Mục đích điều trị chính là ngăn cản và hạn chế tổn thương cho mắt và các nội tạng bị ảnh hưởng bằng cách nhắm vào các nguyên nhân gốc qua việc dùng thuốc và thay đổi cách sống.

3. Có thể bổ sung thêm thuốc tăng cường tuần hoàn, thuốc giãn mạch, bền thành mạch.

4. Điều trị bằng laser để xử lý các biến chứng do tắc tĩnh mạch võng mạc. Trong nhiều trường hợp khi hoàng điểm phù, tiêm thuốc khoang thủy tinh thể để giảm phù nề.

5. Tắc động mạch võng mạc trung tâm.

6. Mất thị lực đột ngột ở bên mắt sơ cứu bằng cách giảm áp lực trong mắt cùng với việc massage cho mắt sử dụng thuốc hoặc tạo một lỗ nhỏ ở phía trước dẫn lưu dịch ra ngoài. 

PHÒNG BỆNH

Bệnh nhân tăng huyết áp phải điều trị huyết áp ổn định.

Tầm soát các yếu tố nguy cơ.

Khám mắt định kỳ và tiến hành soi đáy mắt để có hướng điều trị, tránh gây tổn thương mắt.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Thu

(Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai)

Tin xem nhiều