Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc "Trăng khuyết" (*) của Trần Thu Hằng

10:10, 23/10/2006

Như tên gọi của tập sách, Trần Thu Hằng đã lấy vẻ đẹp của trăng khuyết làm tư tưởng thẩm mỹ chủ đạo cho sáng tác của mình. "Trăng khuyết" ám ảnh người ta bằng thứ ánh sáng xa xôi, mơ hồ... Ở đây là 11 truyện ngắn được tác giả khắc họa với những số phận, những mảnh đời đáng được cảm thông, chia sẻ.

Như tên gọi của tập sách, Trần Thu Hằng đã lấy vẻ đẹp của trăng khuyết làm tư tưởng thẩm mỹ chủ đạo cho sáng tác của mình. "Trăng khuyết" ám ảnh người ta bằng thứ ánh sáng xa xôi, mơ hồ... Ở đây là 11 truyện ngắn được tác giả khắc họa với những số phận, những mảnh đời đáng được cảm thông, chia sẻ.

 

Hạnh là cô sinh viên ta gặp trong "Hóa thân". Hạnh có vẻ đẹp ăn ảnh có một không hai đến nỗi ông đạo diễn phải thốt lên: "... Trong công việc này không ai có thể thay thế được vẻ đẹp của cô...". Hạnh từ bỏ học hành, người yêu để lao vào vinh quang của nghệ thuật. Song khi ông đạo diễn mãn nguyện và bộ phim đoạt giải cũng là lúc cô không thể gặp được đạo diễn nữa. Hạnh nhận ra mình đã hy sinh cho vinh quang của kẻ khác thì đã muộn.

Nếu sự hy sinh của Hạnh là một vinh quang ảo thì với Mạc Hương trong "Trăng khuyết", tác giả đưa ra một sự hy sinh và đẩy nó vào mâu thuẫn khiến ta phẫn nộ. Mạc Hương, vì một mối tình đẹp đã lùi xa mà kiên quyết bảo vệ sự trong trắng của hoa quỳnh. Trong một tình thế, cô đã phải hiến thân cho kẻ ác để giữ lại khóm quỳnh, kỷ niệm của một mối tình đầu. Sự hy sinh đó đã làm phần người trong gã thanh niên kia thức dậy. Hắn đã gặp Mạc Hương để sám hối và sẵn sàng nhận ở cô sự trừng phạt. Tuy nhiên, qua sự hy sinh của Mạc Hương, với bút pháp thậm xưng, tác giả muốn làm nổi bật cái cao cả bên cạnh cái thấp hèn phi nhân tính hơn là đi sâu tách bạch đâu là yếu tố hiện thực, phi hiện thực mà người đọc vẫn chấp nhận được. Ở một khía cạnh nhân bản khác, "Trăng khuyết" đi sâu lý giải cội nguồn những cuộc sống đầy bi kịch, nhưng le lói, xen cài đâu đó là cách nhìn của người viết muốn vực dậy những tâm hồn trống rỗng, mất lòng tin vào chính mình. Rằng con người phải chấp nhận đương đầu với cuộc sống để tự tìm hướng đi, không thể như mẫu người chồng trong "Con trai người mê bóng đá" suốt ngày ngồi ru rú, nhu nhược, đớn hèn sống nhờ vào sự tảo tần của người phụ nữ. Và đến một lúc nào đấy, phải sống nhờ vào cả đồng tiền không mấy trong sạch của vợ. Đến những truyện: "Đôi mắt bạc" , "Gió xuân", "Cầu ván ghép"... Tác giả như muốn thổi một luồng sinh khí vào những mảnh đời bất hạnh, rằng người ta dù ở giai tầng nào vẫn muốn sống cho có ý nghĩa và nhìn về phía trước để tồn tại.

"Trăng khuyết" là một truyện ngắn mang tên cho tập truyện. Cùng với "Đoạn trường vô thanh", "Trăng khuyết" là truyện ngắn thành công miêu tả tâm trạng Nguyễn Du lúc thiếu thời ở với anh cả Nguyễn Khản; một Nguyễn Du tam phẩm ở Bộ lễ, song vẫn không tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội phong kiến suy tàn. Vua Gia Long băng hà, tang tóc ụp xuống kinh thành... lòng Tố Như trống rỗng, trái tim bị lạc nhịp. Vua Gia Long sống trên nhung lụa và sự hà khắc với nhân dân; chết còn làm khổ chúng sinh vì xây lăng Thiên Thụ, vì tế lễ, ma chay... Một người như Nguyễn Du từng sống với "Thập loại chúng sinh" sao có thể an vui, hòa nhập với lối sống xa hoa, đài các mất lòng dân như vậy. Rồi Tố Như cũng ra đi. Đám tang của ông là đoạn kết của một bi kịch. Truyện ngắn "Trăng khuyết" là sự giằng xé nội tâm của Nguyễn Du giữa phụng sự và chán ghét chế độ đương thời. Sinh thời, Nguyễn Du từng thốt lên: "Bất tri tam bách dư niên hậu; thiên hạ hà nhân khấp Tố Như..." Truyện ngắn "Trăng khuyết" chính là tiếng nói của một trong Thập loại chúng sinh, cảm thông sâu sắc với Nguyễn Du về lòng ưu thời mẫn thế của ông.

Đọc Trần Thu Hằng, bạn đọc nhận ra tác giả có những khám phá và thành công không chỉ ở mảng đương đại mà còn "có duyên" hơn với mảng dã sử. "Trăng khuyết", "Đoạn trường vô thanh"... trong tập là những ví dụ. "Trăng khuyết" làm phong phú thêm cho sự thành công của văn xuôi Đồng Nai. Tập truyện có lúc phảng phất nỗi buồn, song là nỗi buồn khiến ta tin ở lẽ đời, ở lòng nhân đạo, muốn sẻ chia nâng đỡ giữa người với người. Đó, chính là thành công của tập truyện.

Lê Đăng Kháng

 

(*) Tập truyện ngắn của Trần Thu Hằng, Nhà xuất bản Thanh Niên - 2006.

Tin xem nhiều