Báo Đồng Nai điện tử
En

Di tích - danh thắng Đồng Nai
Di tích căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (1962 - 1967)

07:11, 03/11/2006

Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Di tích nằm cách trung tâm TP. Biên Hòa 20km và TP. Hồ Chí Minh 35 km theo đường chim bay. Đây là di tích lịch sử cách mạng đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 3744 - QĐ/BT, ngày 29-11-1997.

Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Di tích nằm cách trung tâm TP. Biên Hòa 20km và TP. Hồ Chí Minh 35 km theo đường chim bay. Đây là di tích lịch sử cách mạng đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 3744 - /BT, ngày 29-11-1997.

Tháng 7-1960, Khu ủy Miền Đông (T1) và Lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông (Quân khu miền Đông) được thành lập. Cơ quan lãnh đạo, chỉ huy đặt tại ngọn suối Linh (gọi là căn cứ 820) thuộc Chiến khu Đ. Khu ủy miền Đông do đồng chí Mai Chí Thọ (Tam Cao) làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm chỉ huy trưởng và đồng chí Lâm Quốc Đăng làm chỉ huy phó. Năm 1962, quán triệt đường lối của Đảng, Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu miền Đông tiến hành xây dựng khu căn cứ địa để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn Khu.

Du khách tham quan địa đạo tại Khu ủy.

Khu căn cứ tọa lạc trên đỉnh đồi đất sỏi khá bằng phẳng, độ dốc thoai thoải, diện tích trên 28 hecta, độ cao 20m so với bề mặt suối Linh. Toàn bộ khu đồi được bao phủ bởi rừng cây dày đặc trong hệ thống rừng nguyên sinh miền Đông. Một phần căn cứ được bao bọc bởi suối Linh. Căn cứ Khu ủy được cấu thành bởi: hệ thống giao thông hào có tổng chiều dài 569m, sâu từ 50 đến 60cm, rộng 60cm phân làm ba tuyến (tuyến phòng thủ vòng trong, vòng ngoài và phục vụ cho việc canh gác và chiến đấu. Hệ thống địa đạo liên hoàn theo hướng Đông - Bắc và Tây - Nam có chiều dài trên 260m, nhiều đoạn gấp khúc quanh co và các ngã ba nối thông nhau hoặc nối lên các cửa hầm. Hệ thống miệng địa đạo độc lập chủ yếu dạng hình tròn và chữ nhật, độ sâu từ 3-4m trong các phân đoạn của hệ thống địa đạo. Hệ thống hầm trú ẩn được bố trí đều khắp trên mặt căn cứ, nơi làm việc của lãnh đạo Khu ủy và các cơ quan trực thuộc gồm: văn phòng, cơ yếu, phục vụ, vệ binh... Ngoài ra, trong Khu căn cứ còn có hệ thống bếp Hoàng Cầm và giếng nước phục vụ cho sinh hoạt.

Nằm ở vị trí thuận lợi cả về phòng thủ và tấn công, với cách bố trí khoa học, Khu uỷ miền Đông Nam bộ đã đứng chân trong suốt thời gian từ 1962 đến 1967, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn Khu. Từ đây, Khu ủy, Bộ Tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang phối hợp với quân chủ lực Miền làm nên những chiến thắng vang dội như: chiến thắng Phước Thành, Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Sắn... góp phần từng bước làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ, ngụy; mở rộng và bảo vệ căn cứ, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Hiện nay, di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ đã được phục hồi lại toàn bộ diện mạo gồm: hệ thống địa đạo, hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, văn phòng, nhà làm việc, bếp Hoàng Cầm và xây nhà trưng bày truyền thống, bia tưởng niệm... Trong hướng quy hoạch chung, di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông cùng với hệ thống di tích Địa đạo suối Linh, di tích căn cứ TW Cục miền Nam (1961-1962), trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử chiến khu Đ sẽ trở thành một địa điểm nghiên cứu, học tập đầy ý nghĩa; một tour du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Xuân Nam

Tin xem nhiều