Báo Đồng Nai điện tử
En

Các di tích được trùng tu

09:11, 17/11/2008

Năm nay, ngành văn hóa - thể thao và du lịch có các dự án trùng tu, tôn tạo một số di tích gắn với lịch sử địa phương để thiết thực kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Trùng tu chùa Ông.

Năm nay, ngành văn hóa - thể thao và du lịch  có các dự án trùng tu, tôn tạo một số di tích gắn với lịch sử địa phương để thiết thực kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

 

* Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh

 

Tọa lạc tại xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, đền thờ đã được Bộ Văn hóa - thông tin (VHTT) xếp hạng là di tích lịch sử năm 1991. Đền do nhân dân sở tại xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người có công lớn trong việc phụng lệnh Chúa Nguyễn vào vùng đất Nông Nại (nay là Biên Hòa - Đồng Nai) xây dựng, thiết lập bộ máy hành chính phương Nam và sáp nhập vùng đất mới này vào bản đồ Đại Việt năm Mậu Dần (1698).

 

Theo thời gian, nhiều hạng mục xuống cấp và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Hiện Ban quản lý di tích - danh thắng (BQLDTDT) tỉnh phối hợp với Phân viện Khoa học công nghệ miền Trung lập dự án trùng tu tôn tạo các hạng mục: sửa, chống dột mái ngói, sửa chữa hàng rào; phục chế lại toàn bộ hệ thống cửa ra vào, xử lý mối mọt, nấm mốc; sửa chữa, sơn phết lại ngôi mộ vọng của Nguyễn Hữu Cảnh ở khu đất phía sau đền... Tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Dự án đang trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt,  dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 12-2008 và hoàn thành vào đầu năm 2009.

 

* Lăng mộ Trịnh Hoài Đức

 

Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) là danh nhân văn hóa nổi tiếng xứ Đồng Nai - Gia Định. Ông là bậc công thần triều Nguyễn, tác giả của bộ sách quý "Gia Định thành thông chí".

 

Khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức và chánh thất phu nhân cùng với hơn 10 ngôi mộ của dòng tộc họ Trịnh tọa lạc ở phường Trung Dũng (TP. Biên Hòa), đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia năm 1990. Mộ Trịnh Hoài Đức được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX với lối kiến trúc kiểu voi phục, vật liệu xây dựng là ô dước (vôi, cát, mật đường, vỏ sò và vỏ nhựa cây ô dước).

 

Khu di tích đã được TP. Biên Hòa trùng tu vào năm 1998 nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên mới chỉ trùng tu, sửa chữa được mộ của Trịnh Hoài Đức và phu nhân, còn hơn 10 ngôi mộ khác của dòng tộc họ Trịnh nằm xen kẽ với nhà dân đang bị xuống cấp trầm trọng vẫn chưa được nâng cấp, sửa chữa.

 

Năm 2007, UBND Biên Hòa tiếp tục cho triển khai lập dự án trùng tu tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức và dòng tộc họ Trịnh với tổng kinh phí dự tính trên 20 tỷ đồng, gồm các hạng mục: giải tỏa đền bù, xây cổng Tam quan, nhà bia, đền thờ, sân lễ và trùng tu, tôn tạo các ngôi mộ bằng vật liệu ô dước, khôi phục các hoa văn, họa tiết và văn bia khắc trên mộ.

 

Dự án đang ở giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Trước mắt, để kịp chào mừng kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 310 năm, BQLDTDT tỉnh sẽ tiến hành làm bia, biển giới thiệu, chỉnh trang khu mộ, dọn dẹp vệ sinh đường vào di tích để đón khách tham quan.

 

* Di tích đình An Hòa

 

Tọa lạc tại xã An Hòa, huyện Long Thành. Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh của làng. Đình An Hòa đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1989.

 

Năm 2007, UBND tỉnh cho chủ trương trùng tu tôn tạo di tích này. Theo đó, BQLDTDT đã phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án trùng tu tôn tạo các hạng mục: sửa chữa, sơn phết, chống mối mọt, nấm mốc ở chánh điện, nhà võ ca, nhà khách, cổng tam quan, sân đường nội bộ, hệ thống thoát nước và chống sét... với tổng kinh phí dự tính hơn 4 tỷ đồng (trong đó 700 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, còn lại là ngân sách của tỉnh). Hiện dự án đã hoàn thành thủ tục hồ sơ đưa ra đấu thầu, dự tính tháng 12-2008 sẽ khởi công và hoàn thành vào năm 2009.

 

* Di tích chùa Ông (miếu Quan Đế)

 

Tọa lạc tại xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa, được Bộ VHTT xếp hạng là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2001.

 

Chùa Ông do cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa - Đồng Nai xây dựng vào năm 1684, thờ Quan Công (còn gọi là Quan Vũ, Quan Vân Trường) và hệ thống phúc thần của người Hoa. Chùa được bố trí mặt bằng kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc", không kể công trình Quan Âm Các được xây tách biệt ở phía sau chùa. Chùa Ông là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của Trung Hoa với vì kèo kiểu "chồng rường giá chiêng", đặc biệt là quần thể tiểu tượng sành cứng men màu của lò gốm Cây Mai - Gia Định trang trí trên nóc mái chùa.

Hiện toàn  tỉnh có hơn 1.500 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, mộ cổ và hơn 400 ngôi nhà ở truyền thống, trong đó có 24 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh.

 

Chùa Ông gắn với quá trình di dân của tập đoàn người Hoa Trần Thượng Xuyên sau thất bại của phong trào "phản Thanh phục Minh" đã vượt biển xin Chúa Nguyễn tỵ nạn ở nước ta vào năm 1679.

 

Trải qua thời gian dài, ngôi chùa đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Lần gần đây nhất năm 2006, Ban trị sự Chùa Ông đã tiến hành trùng tu Quan Âm Các với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

 

Năm 2008, chùa được tiếp tục trùng tu chánh điện và các hạng mục Đông lang, Tây lang, nhà khách, nhà bếp, cổng tam quan, sân đường nội bộ, hệ thống thoát nước, chống sét với tổng kinh phí ước tính trên 3 tỷ đồng cũng từ nguồn vốn xã hội hóa. Công trình đang được trùng tu, dự tính sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12-2008.

Thúy Nga

 

 

 

Tin xem nhiều