Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồi khát

10:04, 20/04/2009

Bỏ ra hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng nhưng các hộ dân sinh sống tại khu Đồi 57, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ vẫn không tìm được nguồn nước để tưới tiêu và sinh hoạt. Ngoài khó khăn về nguồn nước, người dân Đồi 57 còn "khát" cả về điện, đường giao thông.

Bỏ ra hàng chục triệu đồng đào ao, khoan giếng nhưng các hộ dân sinh sống tại khu Đồi 57, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ vẫn không tìm được nguồn nước để tưới tiêu và sinh hoạt. Ngoài khó khăn về nguồn nước, người dân Đồi 57 còn "khát" cả về điện, đường giao thông.

 

* Nghèo vì thiếu nước

 

Cũng vì cố tìm nguồn nước mà ông Nguyễn Văn Phát phải bán đi ngôi nhà và khu đất mặt tiền ở quốc lộ 20 để trả các khoản nợ vay mấy năm trước ông đã đầu tư vào việc đào ao, khoan giếng. Ông cho biết: "Tôi mất gần 100 triệu đồng để thuê máy múc 50 mét ao, đào và khoan 3 cái giếng. Nhưng rốt cuộc, mùa mưa thì nước không biết dùng vào việc gì, còn mùa nắng đến thì phải xách thùng đi mua nước về sinh hoạt".

 

Một hộ dân ở Đồi 47.

Bán đất mặt tiền, cả gia đình ông Phát với 25 nhân khẩu chỉ còn cách bám víu vào 2 hécta đất trồng điều tại Đồi 57 để sống. Mà cây điều trên đất đồi đem lại hoa lợi cho gia đình ông mỗi năm chỉ gần 30 triệu đồng. Ông Phát than: "Biết làm sao bây giờ, nước sinh hoạt phải mua từng can nhựa về tắm giặt cũng phải mất gần 100 ngàn đồng/ tháng. Chuyển đổi cây trồng khác thì lấy nước đâu mà tưới trong mùa khô. Cho nên dân ở đây mãi nghèo cũng vì thiếu nước".

 

Đồi 57 là khu dân cư với 146 hộ dân, trong đó số hộ nghèo khó chiếm gần 50%. Bà Hà Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Long Giao cho biết: "Dân số ở đây chưa đủ để tỉnh xét là đơn vị hành chính ấp. Dù vậy, địa phương vẫn ưu tiên đầu tư cho Đồi 57 về nhà tình thương, vốn vay, các dự án về nước sạch, đường giao thông nông thôn hằng năm. Vậy mà Đồi 57 vẫn chưa thoát khỏi khó khăn".

 

Do giao thông đi lại khó khăn, việc vận chuyển nông sản và hàng hóa vào Đồi 57 xe tải, xe công nông phải đi đường vòng từ ấp Hoàng Quân (xã Long Giao) vào, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng lên. Khi mùa mưa đến, nhiều khi hàng hóa không vận chuyển vào được Đồi 57. "Đã có 2 học sinh ở đây bị nước cuốn trôi. Mùa mưa, dân Đồi 57 thường bị cô lập, chỉ cần sẩy chân là bị lũ cuốn, rất nguy hiểm", ông Nguyễn Văn Năm cho biết.

 

* Nhiều kiến nghị  về cơ sở hạ tầng

 

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phạm Minh Chữ phản ánh: "Hiện chúng tôi cần nhất là con đường. Vì đường ở đây mùa nắng chỉ có xe gắn máy là len lỏi chạy tới chạy lui. Đến mùa mưa thì chỉ có đi bộ".

 

Còn ông Nguyễn Văn Năm thì có ý kiến: "Chúng tôi có 3 điều cần quan tâm đầu tư một lúc, đó là đường - điện - nước. Bởi, hiện tại người dân ở đây đã nghèo nhưng mọi thứ đều phải chi tiêu như dân thành thị thì bao giờ mới khá được".

 

Ông Lê Minh Thuyết, Bí thư Chi bộ Đồi 57 đề nghị: "Nên đưa Đồi 57 vào Chương trình 135 để có điều kiện đầu tư về cơ sở hạ tầng. Do dân Đồi 57 quá khó khăn, nên chính sách xã hội hóa giao thông - điện - nước khó mà thực hiện được, còn ngân sách địa phương thì không đủ sức".

 

Trước những khó khăn của người dân tại Đồi 57, chính quyền xã cũng nhập cuộc. "Do tầng đất ở đây không có mạch nước ngầm, nên các dự án nước sạch nông thôn dù có khoan thăm dò hàng chục giếng ở rất nhiều vị trí nhưng vẫn không tìm thấy nguồn nước ngầm. Riêng chuyện làm  đường, năm nào chúng tôi cũng nhờ Binh đoàn 302 đến giúp dân duy tu, sửa chữa nhưng đến mùa mưa là đường hư. Muốn đầu tư kiên cố thì vài chục triệu đồng từ ngân sách của xã sẽ không đủ, còn huy động sức dân thì dân quá nghèo. Xã hiện rất cần cấp trên giúp dân  trong việc làm đường - nước sạch sinh hoạt - điện", bà Hà Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Long Giao nói.

Đoàn Phú

 

Tin xem nhiều