Báo Đồng Nai điện tử
En

Già làng tâm huyết bảo tồn dân ca dân tộc Sán Dìu

05:07, 12/07/2011

Bác Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện là Già làng của thôn Trại Bèo, xã Giáp Sơn và Trưởng ban liên lạc các Câu lạc bộ hát dân ca của huyện là người tâm huyết với việc giữ gìn, bảo tồn dân ca dân tộc Sán Dìu.

Biểu diễn hát dân ca dân tộc Sán Dìu ở Lục Ngạn, Bắc Giang. (Nguồn: lucngan.gov.vn)
Biểu diễn hát dân ca dân tộc Sán Dìu ở Lục Ngạn, Bắc Giang. (Nguồn: lucngan.gov.vn)
Bác Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện là Già làng của thôn Trại Bèo, xã Giáp Sơn và Trưởng ban liên lạc các Câu lạc bộ hát dân ca của huyện là người tâm huyết với việc giữ gìn, bảo tồn dân ca dân tộc Sán Dìu.
Nhờ tâm huyết, công sức khởi đầu của bác An, đến nay, Câu lạc bộ hát dân ca Sán Dìu của xã Giáp Sơn ngày càng thu hút đông đảo người dân trong xã tham gia, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Hiện cả 5 thôn của xã đều có các Tổ hát dân ca Sán Dìu thuộc Câu lạc bộ này.
Là Câu lạc hát dân ca dân tộc thiểu số đầu tiên ở Lục Ngạn, Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Sán Dìu xã Giáp Sơn hiện có 64 thành viên, phần lớn từ trung tuổi trở lên. Các thành viên Câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên thành nền nếp và đã sưu tầm được hàng ngàn bài hát dân ca Sán Dìu.
Riêng Tổ hát dân ca Sán Dìu của thôn Trại Bèo hiện có 6 cháu từ 12-13 tuổi và là Tổ duy nhất có thành viên gồm cả 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ, các cháu cùng tham gia. Việc ra đời và hoạt động có hiệu quả của Câu lạc bộ này đã tác động tích cực đến việc thành lập các Câu lạc bộ hát dân các các dân tộc thiểu số ở các xã khác trong huyện.
Ngay từ khi còn công tác ở huyện, bác An đã trăn trở, có ý tưởng bảo tồn các di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn đang bị mai một dần. Từ khi về nghỉ hưu ở quê, đi dự các đám cưới trong vùng thấy một số nghệ nhân hát say sưa các làn điệu dân ca Sán Dìu càng thôi thúc bác phải vận động, tổ chức khôi phục hát, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị cổ truyền của dân ca Sán Dìu. Rồi bác tập hợp những người biết hát dân ca, cùng suy nghĩ và tâm huyết tự nguyện tổ chức hát dân ca truyền thống.
Bác An tâm sự, cái khó là những người còn nhớ và biết hát dân ca Sán Dìu ở địa phương không nhiều, đã cao tuổi. Lúc đầu, có người đi hát về còn bị người khác nói mỉa là già rồi còn đi hát với hò. Nhưng bằng uy tín, sự tận tâm của mình, bác An đã giải toả dần mọi vướng mắc, băn khoăn và đưa phong trào ngày càng đi lên.
Theo bác An, từ xưa đến nay, dân ca Sán Dìu thường được hát vào lúc nông nhàn và trong các dịp lễ cưới, mừng nhà mới, chúc thọ người cao tuổi hay tổng kết công tác của thôn bản. Bài hát dân ca Sán Dìu bố cục rất chặt chẽ với 4 câu và 28 từ, được hát theo 2 thể là lối nói và lối hò. Có thể hát đơn ca hay hát song ca (hát đối). Hát song ca, nam nữ phải ngồi cách xa nhau, tiếng hát êm dịu, vui tai, phải trật tự mới nghe rõ được.
Khi hát dân ca, nhất là một nam và một nữ thì rất say sưa, có khi thâu đêm suốt sáng. Lúc tiếng hát cất lên là người ta cảm thấy thân thiện, yêu thương nhau cho dù trước đó có giận nhau đi chăng nữa. Thường đi hát cùng nhau thì chỉ là bạn hát, rất ít đôi nam nữ là bạn hát mà lấy được nhau bởi lời bài hát dân ca rất sâu nặng tình nghĩa, sợ rằng khi lấy nhau mà có lúc va chạm sẽ làm tổn thương đến ân nghĩa bạn hát.
Ông Ngô Đình Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giáp Sơn khẳng định việc thành lập và hoạt động của các Câu lạc bộ hát dân ca Sán Dìu và dân ca Nùng ở xã không những góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc mà còn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo đảm an ninh trật tự của địa phương. Trong 10 năm qua, các thôn của xã có đồng bào dân tộc Sán Dìu không có tệ nạn xã hội, đời sống mọi mặt của đồng bào ngày càng cải thiện.
Bác An cho biết, tới đây Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Sán Dìu ở Giáp Sơn rất mong muốn được hỗ trợ kinh phí cho việc sưu tầm, lựa chọn, biên soạn thành sách các bài hát dân ca Sán Dìu ( hiện mới chỉ được ghi chép lại bằng tay ) để việc bảo tồn, truyền giữ được tốt hơn. Đặc biệt là tiếp tục truyền dạy hát dân ca cho thế hệ trẻ; tổ chức giao lưu, tuyên truyền để mọi người thấy rõ giá trị mà cùng nhau giữ gìn, phát huy di sản văn hóa vô giá của cha ông để lại./.

Vietnam+

Tin xem nhiều