Báo Đồng Nai điện tử
En

Bí ẩn dưới mộ cổ một nữ quý tộc - Kỳ 2: Hạt cây lạ dưới chân thi hài

09:09, 27/09/2011

Ngoài dấu tích những hạt lúa tìm thấy ở phần ngực thi hài, các nhà khảo cổ học còn gom được khoảng 2 kg hạt lạ hình tròn có màu nâu và nhỏ li ti như hạt tiêu rắc đầy ở phần cuối chân của thi hài nằm trong mộ cổ vừa khai quật ở Cầu Xéo (Đồng Nai)…

Ngoài dấu tích những hạt lúa tìm thấy ở phần ngực thi hài, các nhà khảo cổ học còn gom được khoảng 2 kg hạt lạ hình tròn có màu nâu và nhỏ li ti như hạt tiêu rắc đầy ở phần cuối chân của thi hài nằm trong mộ cổ vừa khai quật ở Cầu Xéo (Đồng Nai)…
>> Kỳ 1: Những lá sen trên thi hài
Có người cho đó là hạt tiêu vì lẫn trong những hạt màu nâu có cả những hạt màu đen nữa. Người khác lại phỏng đoán là những hạt dược liệu bí truyền không biết rõ tên gì và công dụng thế nào, được người xưa chôn theo thi hài với mục đích gì? Câu trả lời chưa biết được.[links(left)]

Các nhà nghiên cứu dập hoa văn, ghi chép di tồn Hán Nôm tại hiện trường khai quật - Ảnh: Đoàn khảo cổ cung cấp
Các nhà nghiên cứu dập hoa văn, ghi chép di tồn Hán Nôm tại hiện trường khai quật - Ảnh: Đoàn khảo cổ cung cấp

Sự có mặt của hàng trăm hạt thực vật rất lạ trong quan tài của nữ quý tộc ở Đồng Nai đã gợi mở thêm việc nghiên cứu đặc trưng của các mộ nữ quý tộc tại vùng Nam Bộ như PGS-TS Phạm Đức Mạnh phân tích: “Những hạt tương tự như các hạt lạ nằm trong ngôi mộ cổ ở Đồng Nai đã được biết tới mấy năm trước trong đợt khai quật mộ hợp chất ở khuôn viên Viện Pasteur, Q.3, TP.HCM. Ở đó, chúng tôi tìm thấy cạnh các di vật trong quan tài như lược vàng, hoa tai vàng, cúc áo bằng vàng bọc đồng, trâm cài đầu bằng đồng thau, hạt chuỗi, còn có 35 hạt lạ rải trên mặt và quanh phần đầu của thi hài. Những hạt này có dạng tròn, màu nâu sáng hoặc nâu đen, đường kính mỗi hạt khoảng từ 0,2 - 0,35 cm. Một số hạt cũng được tìm thấy trước đó ở mộ Bà trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM. Ban đầu người ta cho là những hạt tiêu, nhưng không phải”.
Vì sau đó, theo PGS-TS Phạm Đức Mạnh, những hạt trên được gửi đến giám định tại Bộ môn Thực vật học và sinh môi thuộc khoa Sinh vật của trường Đại học Khoa học tự nhiên (TP.HCM) với kết quả khác hẳn do PGS-TS Lê Công Kiệt thông báo, cụ thể: “Đó là những hạt có tên khoa học là Entanda sp. Fabaceae (giống dây leo thuộc họ đỗ nhưng không xác định được loài riêng). Giống dây leo thuộc họ đỗ này phân bố nhiều ở các miền rừng nhiệt đới, trong đó có rừng nhiệt đới Việt Nam; đồng bào dân tộc Chăm ở miền Trung Việt Nam gọi chúng là cây chăm bàm. Trong nhiều bài thuốc dân gian nước ta thường dùng giống dây leo chăm bàm trên để trị rắn cắn (tuy vậy, công dụng chi tiết vẫn chưa được khoa học nghiên cứu). Khi dùng để làm thuốc, người ta thường bổ đôi hạt của giống dây leo chăm bàm ra để đắp vào vết rắn cắn mà theo bài thuốc thì chính nhựa hạt cây này sẽ hút chất độc của rắn ra ngoài”.
So với mẫu hạt ở mộ cổ Đồng Nai vừa khai quật, thì mẫu hạt ở mộ Pasteur về màu sắc và vóc dáng giống nhau. Chúng thuộc loại hạt thon tròn, có cuống nhỏ, đây là loại trái 1 hạt, trái rời nhau nhưng tựu thành chùm, có tên khoa học là Cananga odorata, thuộc họ Na cây (có loại dây leo). Trong dân gian thường gọi là “trái công chúa” có khá nhiều và mọc tự nhiên trong rừng sâu. Đến nay trở nên hiếm và được một số người chơi cây kiểng sưu tầm trồng trong vườn nhà. Một tên gọi khác của trái công chúa là trái “y lăng” mà theo các nhà dược liệu có thể dùng chế thành chất sát trùng. Chúng cũng có thể chiết xuất lấy tinh dầu thơm.

Những hạt lạ trong quan tài - Ảnh: Đoàn khảo cổ cung cấp
Những hạt lạ trong quan tài - Ảnh: Đoàn khảo cổ cung cấp

Nếu đặt các hạt lạ trong mộ nữ quý tộc (Đồng Nai) cạnh mẫu hạt ở mộ Bà (Q.10, TP.HCM), thấy cũng từa tựa hạt tiêu, nhưng xét kỹ “về hình thể không hề giống hạt tiêu, vỏ khô không nhăn mà nhẵn bóng. Ở các mẫu hạt này, phần lớn chúng không còn ruột đặc (sọ). Ở những mẫu hạt tròn này thì vỏ còn nhưng phần lõi (sọ) thường bị tiêu mất. Trong khi các hạt tiêu trong điều kiện ẩm tương ứng, vỏ tiêu sẽ bị phân hủy nhanh hơn sọ tiêu. Theo quan sát ban đầu, chúng có thể là “trái chanh” hoặc trái “màng tang”. Về trái màng tang, Quốc sử quán triều Nguyễn ghi “là một loại cây leo, mùa xuân nở hoa trắng, mùa hè kết quả đen, cùng với hồ tiêu là một vật mà hai loài, màng tang còn được gọi là tất trừng già hoặc tỳ lăng già tử”. Còn trong dân gian trái màng tang được dùng làm một thứ gia vị, một loại hương liệu, giúp cơ thể ấm trong mùa lạnh. Phải chăng chúng được người xưa sử dụng trong việc mai táng người quá cố như ở mộ nữ quý tộc Đồng Nai nhằm góp phần “giữ ấm” thi hài, hoặc mang ý nghĩa linh thiêng nào đấy?
Hiện mẫu hạt ở mộ Bà tại Cầu Xéo (Đồng Nai) đang được gửi đến giám định ở phòng thí nghiệm thực vật thuộc khoa Sinh vật trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM chưa có kết quả. Chúng là hạt chăm bàm, hạt công chúa, hay là hạt màng tang?

(Theo TNO)
Tin xem nhiều