Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương trình truyền hình dân tộc trên Đài PTTH Đồng Nai: Đã trở thành món ăn quen của đồng bào

10:10, 07/10/2011

Chiều 2-9-2004, nhân ngày lễ Quốc khánh, lần đầu tiên trên cả hai làn sóng phát thanh và truyền hình của Đài PTTH Đồng Nai đã xuất hiện một chuyên mục đặc biệt “Truyền hình dân tộc - tiếng Chơro”.

Chiều 2-9-2004, nhân ngày lễ Quốc khánh, lần đầu tiên trên cả hai làn sóng phát thanh và truyền hình của Đài PTTH Đồng Nai đã xuất hiện một chuyên mục đặc biệt “Truyền hình dân tộc - tiếng Chơro”.
Chuyên mục này được phát thường xuyên vào lúc 18 giờ 15 ngày thứ sáu và 8 giờ 45 thứ bảy hàng tuần đã thu hút đông đảo bạn xem đài đồng bào các dân tộc S’Tiêng, Mạ, K’Ho… ở trong và ngoài tỉnh theo dõi.

Giám đốc đài PTTH Đồng Nai - Mai Sông Bé phát biểu tại lễ sơ kết công tác tuyên truyền bằng tiếng Chơro và tiếng Hoa trên sóng PTTH.    Ảnh: H.Thái
Giám đốc đài PTTH Đồng Nai - Mai Sông Bé phát biểu tại lễ sơ kết công tác tuyên truyền bằng tiếng Chơro và tiếng Hoa trên sóng PTTH. Ảnh: H.Thái
Tiếp  đó, vào tháng 3-2009, chương trình “Truyền hình dân tộc- tiếng Hoa” và “Bản tin tiếng Hoa” cũng được Đài PTTH-ĐN phát sóng, thu hút đông đảo cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận đón xem. 
Chương trình “Truyền hình dân tộc - tiếng Chơro” đã chính thức lên sóng, đến với bạn xem đài hơn 7 năm, vậy mà tới bây giờ, nhiều bạn xem đài vẫn còn nhớ khá rõ, bởi với họ, đó là một niềm vui lớn. Ông Nguyễn Đình Biên, già làng người Chơro ở ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) kể, khi hay tin đài Đồng Nai có chương trình truyền hình dân tộc, đồng bào ai cũng thích lắm, nhất là các cụ già, cứ trông đến giờ để xem. “Chúng tôi rất phấn khởi khi tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình được nói trên truyền hình. Qua đó cho thấy, Nhà nước không chỉ quan tâm đến đời sống của bà con, mà còn chăm lo để giữ gìn tiếng nói, bản sắc văn hóa của đồng bào” - ông Biên nói.
Cũng theo ông Biên, đối với đồng bào dân tộc Chơro ở Phú Lý, hiện nay việc xem truyền hình dân tộc - tiếng Chơro đã trở thành thói quen và là món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống. Bởi, thông qua chương trình truyền hình dân tộc, lớp trẻ đã có điều kiện học thêm tiếng Việt và mẹ đẻ. Đồng tình với nhận định này, ông Sẩm Dắt Phấn, một người Hoa ở xã Phú Vinh, huyện Định Quán nói: “Một bộ phận người Hoa, nhất là những người cao tuổi do trước đây sinh sống tập trung theo cộng đồng nên hiểu biết về tiếng Việt rất hạn chế. Nhờ chương trình truyền hình tiếng Hoa của đài, họ không những được nghe tin tức thời sự, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn học thêm tiếng Việt”.
Một trong những khó khăn đầu tiên của “ê kíp” làm chương trình truyền hình dân tộc, đó là vấn đề ngôn ngữ. Do tiếng Chơro chưa có chữ viết, khi phóng viên viết bài thì viết bằng tiếng Việt, sau đó các biên tập viên mới phiên âm sang tiếng Chơro để đọc trên đài. Mặc dù các biên tập viên là người Chơro nhưng khi bắt tay vào dịch bài viết từ tiếng Việt sang tiếng Chơro cũng gặp không ít khó khăn. Biên tập viên Mai Thị Ngọc Dung kể, thời gian đầu khi mới làm chương trình, có những từ, cụm từ tiếng Việt chị không biết dịch thế nào sang tiếng Chơro cho đúng nghĩa. Mỗi lần “bí” như thế, Dung gọi điện thoại nhờ cha mẹ hoặc các thầy chỉ dẫn.
Ông Vũ Xuân Hải, Trưởng phòng Khoa giáo Đài PTTH Đồng Nai, người trực tiếp quản lý, điều hành, chỉ đạo ê kíp thực hiện các chương trình truyền hình dân tộc tiếng Hoa và tiếng Chơro cho biết, một trong những khó khăn khi làm các chương trình truyền hình dân tộc là vấn đề nhân sự. Hiện nay, Phòng Khoa giáo có 8 phóng viên, biên tập và quay phim, trong đó có 4 người trực tiếp làm chuyên mục truyền hình dân tộc. Vì vậy, sắp tới các chương trình truyền hình dân tộc của đài vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng của các chương trình.  

 

Hoàng Thái



Tin xem nhiều