Báo Đồng Nai điện tử
En

Những giá trị “ảo” và “thật” trong đời sống văn chương

10:02, 24/02/2012

Vì sao đã “ảo” rồi mà còn có giá trị? Vì sao cái “ảo” lại được đặt trước cái “thật”? Trong thực tế đời sống văn chương, đôi khi điều đó lại hoàn toàn đúng. Đề cập đến cái ảo để đi tìm cái thực, để khẳng định được giá trị thực, nhất là trong đời sống tinh thần mà kết tinh của nó chính là văn học - nghệ thuật.

 

 Vì sao đã “ảo” rồi mà còn có giá trị? Vì sao cái “ảo” lại được đặt trước cái “thật”? Trong thực tế đời sống văn chương, đôi khi điều đó lại hoàn toàn đúng. Đề cập đến cái ảo để đi tìm cái thực, để khẳng định được giá trị thực, nhất là trong đời sống tinh thần mà kết tinh của nó chính là văn học - nghệ thuật.

Văn nghệ sĩ Đồng Nai dự hội trại sáng tác tại Đà Lạt.
Văn nghệ sĩ Đồng Nai dự hội trại sáng tác tại Đà Lạt.

Kể về những thứ “ảo” trong đời sống văn học - nghệ thuật thì thật vô cùng. Xin mượn lời nhà văn Ngô Thảo: “Nhiều người giỏi làm duyên làm dáng đến nỗi chẳng ai biết đến tác phẩm của anh, nhưng buộc phải biết đến anh với những đặc điểm, những mối quan hệ, sở trường sở đoản khác ngoài văn chương…” Lâu dần, những cái “ảo” đã lấn át cái thực, xóa nhòa giá trị chân thật của một người (một nhóm, thậm chí là một tập thể nghệ sĩ). Chính từ đó mà đời sống văn chương cũng trở nên méo mó, biến dạng và rất khó kiểm soát. Chính vì cái ảo luôn được nhìn thấy trước, luôn đi trước trong cảm nhận trực quan, nên nếu nó được “lắp” vào với một sự định kiến, một cái nhìn chủ quan theo kiểu “văn mình vợ người”, thì quả thực đó là một điều hết sức đáng tiếc. Đến Khổng Tử cũng có lúc phải than: “Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã” (Ta chưa thấy ai yêu cái đức tốt như yêu cái sắc đẹp vậy). Vậy phải chăng, chạy theo giá trị ảo là điều đương nhiên của con người, không loại trừ văn nghệ sĩ?

Một khi đã chạy theo những giá trị ảo, muốn thành danh bằng động cơ cá nhân, quên đi vai trò và nhiệm vụ của mình, thì chắc chắn là tác phẩm được viết ra chỉ “đèm đẹp” và bước vào cuộc sống sôi động một cách yếu ớt, không thuyết phục. Ngay như đại thi hào Nguyễn Du khi kết thúc Truyện Kiều cũng chỉ dám nhận rằng những gì mình viết “mua vui cũng được một vài trống canh”, thì lớp hậu sinh nếu đã có nửa lần tự mãn là đã quá thừa… Lại nhớ câu thơ của thi hào Đỗ Phủ: “Văn chương thiên cổ sự, đắc thất thốn tâm tri” (Văn chương là sự nghiệp muôn đời, được hay mất chỉ có tấc lòng tự biết). Phân tích theo nhiều hướng thì thấy cái Tôi chỉ là hạt cát trong thế giới văn chương, bởi “sự nghiệp muôn đời” chính là thời gian - không gian và con người. Người nghệ sĩ phải có khát vọng lớn đến thế nào để chuyển tải thông điệp muôn đời ấy vào cuộc sống hữu hạn của chính mình? Có nhiều cách để đạt được phần nào mục tiêu ấy, nhưng tuyệt đối không phải là làm cái việc giam mình trong tháp ngà và đo thế giới bằng bản thân mình. Người viết cần phải sống thật, sống sâu và yêu thương hết mình cuộc sống này để cảm nhận được lý lẽ của cuộc sống. Và, con đường của văn chương nghệ thuật chính là từ trái tim đến với trái tim.

Văn nghệ sĩ Đồng Nai đã có những con người biết sống khiêm tốn và viết cẩn trọng, biết mang cái tâm và tình yêu thương vào trang viết. Đó là những cái “được” mà có khi phải học hết cả đời người mới làm được, nhưng như thế cũng có nghĩa là con người ấy phải tránh xa danh lợi, không tranh giành, không đánh bóng tên tuổi mình bằng mọi giá, thậm chí nhận lấy những thua thiệt để đổi lấy một chút hạnh phúc của nghiệp văn chương. Những người ấy đã tạo ra một cái nhìn trong trẻo hơn đối với sự nghiệp văn chương, và giúp giảm đi “áp lực” phải chạy đua với một điều gì đó mơ hồ, không thực…

Chính vì vậy, gạt qua sự ảo thị, đi tìm lý do để thấy văn chương tồn tại như thế nào, vì sao nó lại khác những thứ khác, thì điều còn lại với đời vẫn là cần có những tác phẩm có khả năng phục vụ tốt cho con người. Mà những tác phẩm ấy được nuôi  dưỡng, kết tinh từ một đời sống văn chương phong phú, từ tình yêu cái đẹp một cách mạnh mẽ và từ những tâm hồn minh triết; nói xa hơn thì khởi nguồn của nó vẫn là giá trị chân - thiện - mỹ từ trong cuộc sống, từ trong nhân dân.

Tôi không thích coi văn nghệ sĩ là kẻ hành hương đi tìm thánh địa, cũng không thích coi văn chương là một “sân chơi” như cách nói của nhiều người. Đơn giản vì chúng ta đã có trong tay phương tiện, đã được trang bị về lý luận và được đón chào bởi một thực tiễn vô cùng rộng lớn. Đó chính là tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người. Đất nước đang ngày một phát triển, niềm mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng đang được hiện thực hóa từng ngày một, có lý nào cứ chỉ nghĩ đến riêng mình? Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đang có những sự quan tâm để phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật một cách toàn diện, và đang mong đợi những tác phẩm “đỉnh cao phù hợp với thực tiễn của đất nước. Đó chính là giá trị thật mà những người trẻ có nhiệm vụ lãnh hội và vươn tới. Con đường để thực hiện được điều này có thể rất dài, có thể phải nhiều người, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ cùng tiếp sức; song trước hết, cần phải gắn bó với mảnh đất Đồng Nai không chỉ như một quê hương sáng tác, mà còn là một tình yêu lớn để yêu thương và cống hiến.

Trần Thu Hằng

 

 

 

Tin xem nhiều