Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để mất những hiện vật lịch sử

10:08, 19/08/2013

Bên trong khu mộ song thân của một vị quan triều Nguyễn đang hiện hữu 2 tấm bia đá có khắc 2 bài minh từ (được gọi là bia Thần đạo). Đây được xem là phát hiện đầu tiên về loại hiện vật này tại Đồng Nai.

Bên trong khu mộ song thân của một vị quan triều Nguyễn đang hiện hữu 2 tấm bia đá có khắc 2 bài minh từ (được gọi là bia Thần đạo). Đây được xem là phát hiện đầu tiên về loại hiện vật này tại Đồng Nai.

Tuy nhiên, theo thời gian, 2 tấm văn bia đang phải chịu chung số phận đáng buồn với các cấu kiện khác trong khu mộ dưới sự tác động xấu của thiên nhiên và con người.

* Đi tìm 2 tấm văn bia cổ

Từ năm 1998, qua tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu có liên quan đến vùng đất, con người Đồng Nai, sử liệu ghi chép của triều Nguyễn (cuốn Đại Nam thực lục) cùng thông tin do người dân cung cấp, Bảo tàng tỉnh thực hiện nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm tại xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) và đã tìm thấy 2 tấm văn bia và khu mộ song thân ông Đào Trí Phú - một vị quan nhà Nguyễn.

Khu mộ hiện nay đã bị thu hẹp diện tích, nền đất giờ bị thay bằng nền bê tông nên những phần nằm phía dưới của khu mộ đều đã bị lấp.
Khu mộ hiện nay đã bị thu hẹp diện tích, nền đất giờ bị thay bằng nền bê tông nên những phần nằm phía dưới của khu mộ đều đã bị lấp.

Ông Lê Xuân Hậu, Trưởng phòng Di sản (Bảo tàng tỉnh), người trực tiếp tham gia vào các đợt tìm kiếm, dịch thuật văn tự trên 2 tấm bia đá tại khu mộ song thân Đào Trí Phú cho hay, thời điểm được phát hiện, khu mộ còn khá nguyên vẹn với đầy đủ các cấu kiện như bao khu mộ xưa khác. Nhưng điểm đặc biệt đáng lưu ý chính là 2 phiến đá hình chữ nhật được tạc chữ Hán mà lần đầu tiên các thành viên trong đoàn khảo sát tìm thấy tại Đồng Nai.

Quá trình sao chép, dịch thuật đã xác định được đây là 2 bài minh từ do nhân vật Đào Trí Phú sáng tác, sau đó cho thợ khắc chữ rồi đem đặt tại phần mộ của song thân ông vào năm Tân Sửu (1841) niên hiệu Thiệu Trị. 2 phiến đá này có kích thước 80cm x100cm x19 cm. Tấm thứ nhất có 256 chữ Hán được Đào Trí Phú viết cho cha và tấm thứ 2 khắc 262 chữ Hán được ông viết cho mẹ.  Ngoài phần văn tự được khắc chìm, trán bia còn được khắc hình mặt trời, viền bia có hình dây lá đan xen với các họa tiết hình học. Các nhà nghiên cứu đánh giá 2 tấm văn bia được tìm thấy này rất có giá trị về sử liệu cũng như văn chương của các bậc tiền nhân còn lại trên đất Đồng Nai.

* Ai bảo vệ?

Theo lời kể của các vị cao niên trong ấp, trước kia diện tích đất quanh khu mộ của họ Đào còn rất rộng lớn, thân nhân thường xuyên lui tới nhang khói thờ phụng và giữ gìn kỹ lưỡng. Nhưng hiện nay, ngay cả vị trí của khu mộ cũng nằm trên diện tích đất sử dụng của một người khác. Con cháu họ Đào hiện không thấy lui tới nhang khói thờ phụng nữa. Ông Nguyễn Văn Rọt, 63 tuổi (Trưởng ấp 3, xã Hiệp Phước), cho hay mặc dù việc xác minh lai lịch, thẩm định khu mộ và 2 tấm văn bia đã hoàn thành từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn không thấy một giải pháp bảo vệ nào được thực hiện từ phía các cơ quan chức năng.

Tấm văn bia cổ trong khu mộ của song thân Đào Trí Phú.
Tấm văn bia cổ trong khu mộ của song thân Đào Trí Phú.

Ông Thanh Tuấn (46 tuổi, ngụ ấp 3), đại diện gia đình chủ đất có khu mộ tọa lạc, nói: “Nhìn thấy sự hư hại này của khu mộ, gia đình chủ đất cũng đã bê tông hóa toàn bộ diện tích của khu mộ. Cách làm này đã ngăn chặn được sự sụp lún, nhưng cũng chính nó đã làm mất đi nguyên trạng vốn có của khu mộ và 2 tấm văn bia”.

Đào Trí Phú (?- 1854), hiệu là Giới Tử, sinh tại làng Phước Kiển, thuộc Long Thành, dinh Trấn Biên (nay thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Ông đỗ kỳ thi hương tại Gia Định năm 1825 cùng khóa với Phan Thanh Giản. Cuộc đời làm quan của ông trải qua 3 triều nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ở triều vua nào ông cũng được giao trọng trách, đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau. Tuy không thể nói ở vị trí nào Đào Trí Phú cũng có những đóng góp tích cực, song điều này cho thấy tính chất năng động của con người vùng Nam bộ luôn biết ứng biến và xử lý các tình huống.

(Trích Người Đồng Nai, NXB Đồng Nai năm 1995)

Còn ông Lê Xuân Hậu cho biết, trước đây khi mới phát hiện và sau khi làm rõ được nguồn gốc của khu mộ cũng như 2 tấm văn bia tại ấp 3, xã Hiệp Phước, Bảo tàng tỉnh đã nhiều lần có văn bản xin ý kiến Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, UBND tỉnh xem xét để đưa ra cách giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có biện pháp quản lý, bảo tồn nào được các cấp có thẩm quyền đưa ra. “Thời  gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét để sớm có phương án bảo vệ, phục dựng một di tích có ý nghĩa tâm linh và văn hóa của người dân trong vùng” - ông Hậu nói.

   Văn Truyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều