Báo Đồng Nai điện tử
En

Mai này còn tiếng đàn tre?

09:10, 22/10/2014

Trong các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Đồng Nai, như: T'rưng, cồng chiêng... thì đàn tre (goong cla) là loại nhạc cụ mang tính độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Mạ và Chơro.

Trong các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Đồng Nai, như: T’rưng, cồng chiêng... thì đàn tre (goong cla) là loại nhạc cụ mang tính độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Mạ và Chơro.

Nếu như trong cộng đồng dân tộc Chơro, cây đàn tre rất phổ biến với số lượng người sử dụng thành thục còn nhiều thì ngược lại trong cộng đồng dân tộc Mạ, loại nhạc cụ này đang đứng trước nguy cơ biến mất.

* Độc đáo đàn tre

Theo già làng K’Gỗ (94 tuổi, ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú), cây đàn tre gồm có 2 phần là thân đàn và dây đàn. Thân đàn được làm bằng một ống tre già đã khô thường có chiều dài 50cm, một đầu được bịt kín, đầu kia khoét lỗ để âm thanh vọng ra. Trên ống tre (thân đàn), người chế tác mắc 6 dây. Khi chơi đàn, người nhạc công dùng đầu ngón tay gẩy ở phần chính giữa của dây đàn, âm thanh của loại nhạc cụ này phát ra tương tự như cây đàn guitar.

Dù sức khỏe rất yếu và phải ngồi xe lăn nhưng ông K’Liêu (trái) vẫn rất tâm huyết với việc truyền dạy đàn tre.
Dù sức khỏe rất yếu và phải ngồi xe lăn nhưng ông K’Liêu (trái) vẫn rất tâm huyết với việc truyền dạy đàn tre.

Trước đây, dây đàn được làm bằng sợi lạt tre chuốt mỏng nhưng tiếng nhạc phát ra rất nhỏ. Để khắc phục nhược điểm này, đồng bào đã sử dụng nhiều loại vật liệu khác làm dây đàn và sau cùng loại thích hợp nhất là dây ny-lông (dây đàn guitar).

Tuy có cấu tạo đơn giản, nhưng để sử dụng được cây đàn tre một cách thành thục, âm thanh phát ra đúng ý nhạc công là cả một quá trình học hỏi lâu dài và bền bỉ. Già K’Liêu, 84 tuổi, hiện ngụ ấp 4, xã Tà Lài, nói: “Tôi làm quen với cây đàn tre năm 14 tuổi qua sự chỉ dạy của ông bà, cha mẹ. Nhưng phải mất nhiều năm tôi mới biểu diễn thành thục với cây đàn này. Người học loại đàn này cần có sự tỉ mỉ, chăm chỉ và nhất là kiên nhẫn”. 

* Nguy cơ thất truyền

 Đàn tre từng là “đặc sản” của Tà Lài rất được du khách yêu thích khi đến đây du lịch. Tuy nhiên, theo già làng K’Gỗ, từ năm 2010 đến nay không còn ai biểu diễn đàn tre nữa, bởi trong cộng đồng dân tộc Mạ tại ấp 4, xã Tà Lài hiện chỉ còn 2 người biết sử dụng và chế tác thành thục đàn tre là ông K’Liêu (84 tuổi) và ông K’Yểu (55 tuổi), nhưng cả hai đều đã lớn tuổi, sức khỏe yếu. Trong khi đó, lớp trẻ bây giờ không ai chịu học loại nhạc cụ này.

Già làng K’Gỗ: “Bao đời nay, cây đàn tre đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần trong các dịp đám tiệc, đi nương đi rẫy của cộng đồng dân tộc Mạ. Tuy nhiên, nếu cứ như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa khi người già chết đi thì đàn tre cũng sẽ bị thất truyền”.

Ông K’Yểu tâm sự: “Tôi có 8 đứa con cả trai và gái, trong đó có 3 đứa đang học tại các trường nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Cả 3 đứa con tôi đều chọn học các loại nhạc cụ hiện đại, như: guitar, organ mà không chọn đàn tre, bởi theo chúng học các loại đàn khác còn có cơ hội nuôi sống bản thân chứ học đàn tre không biết sử dụng vào đâu!”.

Để góp phần cùng đồng bào dân tộc Mạ giữ gìn loại hình nghệ thuật này, hàng năm trong ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện, địa phương đều vận động bà con mang loại đàn tre này đến biểu diễn, thuyết minh giới thiệu đến đông đảo công chúng. Qua đó góp phần tạo thêm động lực để người có tâm huyết gắn bó với cây đàn. “Dù được Nhà nước khuyến khích bảo tồn nhưng người trẻ lại không muốn học mà người già am hiểu về cây đàn tre chẳng còn là bao nên việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này rất khó”  - ông Lê Văn Ánh, Phó phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú, nói.

Sông Thao

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều