Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ vật chiến tranh trở thành báu vật

10:12, 19/12/2014

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức triển lãm chuyên đề Lực lượng vũ trang Đồng Nai - chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

 

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức triển lãm chuyên đề Lực lượng vũ trang Đồng Nai - chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Bá Ước trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Đồng Nai.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Bá Ước trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Đồng Nai.

Ngoài ý nghĩa giúp người xem hiểu thêm về hoạt động, công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đất nước của lực lượng vũ trang, triển lãm còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

* Kỷ vật kể chuyện kháng chiến

Nhiều kỷ vật thiêng liêng được trưng bày tại triển lãm không chỉ là vật lưu giữ của riêng mỗi người mà đã trở thành báu vật của cả dân tộc.

Trong số 8 kỷ vật mà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác anh hùng trao tặng, chiếc võng bộc mà ông sử dụng trong những ngày chiến đấu, “cắm chốt” ở khu rừng Sác năm xưa để lại nhiều kỷ niệm nhất.

“Ngày ấy, ở rừng Sác muỗi nhiều vô kể, cứ chiều tối chúng lại bay thành đàn. Nhiều đêm anh em chiến sĩ thức trắng vừa canh giặc, vừa canh muỗi, không một ai có thể chợp mắt. Vì vậy khi nhận chiếc võng từ vợ, tôi vui mừng khôn xiết. Sự lợi hại của võng bộc là dưới đáy được may bằng lớp ny-lông dày nên lũ muỗi không thể tấn công được. Đi đâu tôi cũng mang theo, mắc vào hàng đước chắc chắn để ngủ nhằm có sức chiến đấu tiếp” - Đại tá Ước nhớ lại.

Nhiều kỷ vật đã cũ kỹ, không còn nguyên vẹn bởi bao lần trúng đạn địch hay bởi tác động của thời gian nhưng vẫn được cất giữ cẩn thận với quyết tâm “người còn vật còn”. Nó như tư liệu quý thay người sở hữu kể lại câu chuyện cuộc đời mình.

Trong trí nhớ của bà Trần Thị Dính, con gái của cố Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Công An, chiếc cặp đựng tài liệu mà Nhà nước trang bị cho cha mình được mọi người trong gia đình trân trọng, nâng niu và giữ gìn như báu vật cuộc sống.

Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, cho biết: “Thông qua triển lãm nhằm góp phần xây dựng niềm tự hào, tuyên truyền, giáo dục về lịch sử truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thế hệ trẻ để họ biết những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh cũng như trong hòa bình”.

“Hồi cha còn sống, chiếc cặp là vật bất ly thân. Ông kể, vì nó đựng tài liệu mật nên khi đi công tác lỡ bị địch phục kích, không lo tính mạng bản thân mà chỉ sợ cặp rơi vào tay địch. Trước khi cha tôi mất, ông dặn đi dặn lại phải cất giữ chiếc cặp cho cẩn thận, không được đem ra dùng tùy tiện để tránh bị hư hỏng” - bà Dính xúc động tâm sự.

Đó còn là tấm vải dù được Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Duy Chín, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 76 Công binh hiến tặng cho Bảo tàng Đồng Nai. Kỷ vật này chính là chiến lợi phẩm ông thu được của địch trong Chiến dịch Long Điền - Đất Đỏ (tháng 7-1972).

Sau khi lấy được, ông khâu vá cẩn thận dùng làm vật ngụy trang mỗi khi hành quân, di chuyển đồng thời làm chiếc chăn đắp ấm áp. Hơn 40 năm trôi qua, tấm vải vẫn còn nguyên vẹn. Như bao kỷ vật thời chiến khác, nó là vật dụng rất gần gũi, gắn bó với sinh hoạt thường nhật ở chiến trường, gợi nhớ lại thời kỳ kháng chiến gian khổ mà vinh quang.

* Sưu tầm nhiều tư liệu quý

Theo bà Trần Thị Diêm, Trưởng phòng trưng bày tuyên truyền Bảo tàng Đồng Nai, để có những tư liệu quý phục vụ triển lãm, trước đó mấy tháng liền ban tổ chức đã bắt tay vào công tác chuẩn bị, đồng thời cử người đi khắp nơi tìm kiếm. Các cán bộ của bảo tàng đã tìm đến các đồng chí lão thành cách mạng từng tham gia hoạt động trong hai cuộc kháng chiến để sưu tầm những tư liệu, hình ảnh và những kỷ vật của chiến tranh.

Trong số khoảng 230 hình ảnh tư liệu lịch sử và hiện vật về đề tài lực lượng vũ trang, nhiều tư liệu hình ảnh quý đã ghi lại những trận đánh lịch sử vang dội của quân và dân Đồng Nai, như: trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa, tổng kho liên hợp Long Bình, kho xăng Nhà Bè, đánh tàu quân sự Mỹ trên sông Lòng Tàu, Thị Vải ở khu vực rừng Sác...

Hay những hiện vật, hình ảnh chiến đấu, lao động, sản xuất của lực lượng vũ trang và nhân dân Đồng Nai trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; hình ảnh quá trình xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh từ năm 1975 đến nay đều được trưng bày ấn tượng, gợi lại cái nhìn thật hơn, sâu hơn về những năm tháng đã qua.

“Mỗi tư liệu đều có giá trị, ý nghĩa to lớn nhằm ghi lại những thời khắc lịch sử riêng. Việc sưu tầm các tư liệu rất khó khăn, nhiều hiện vật trở thành tư liệu quý đáng trân trọng” - bà Diêm cho biết.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều