Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai cô gái mơ mộng cùng điện ảnh

08:02, 28/02/2015

Câu chuyện làm phim của hai nữ đạo diễn trẻ trong năm vừa qua mách bảo bạn hãy nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo và nhẫn nại biến nó thành hiện thực, ngay cả khi ai đó nói bạn thật điên rồ.

Nguyễn Thị Thắm.
Nguyễn Thị Thắm.

Câu chuyện làm phim của hai nữ đạo diễn trẻ trong năm vừa qua mách bảo bạn hãy nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo và nhẫn nại biến nó thành hiện thực, ngay cả khi ai đó nói bạn thật điên rồ.

* Hành trình của Thắm

13 tháng là quãng thời gian mà nữ đạo diễn 26 tuổi Nguyễn Thị Thắm đã bỏ ra, một mình với chiếc camera cầm tay, rong ruổi theo chân một gánh hát lô tô trên khắp nẻo đường quê heo hút. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là tên bộ phim tài liệu đầu tay của cô, sau khi tốt nghiệp ngành đạo diễn Trường cao đẳng sân khấu điện ảnh TP.Hồ Chí Minh và tham gia khóa học của Hiệp hội điện ảnh Varan (Pháp).

Sau nhiều ngày gian khổ, có lúc phải phụ gánh hát bán vé để kiếm tiền ăn, cô gái nhỏ nhắn và rắn rỏi đã ghi lại tới gần 70 giờ phim, để cuối cùng chắt lọc lại còn khoảng 86 phút, kể câu chuyện thân phận của những người đàn ông mang giới tính thứ ba. Nỗ lực của Thắm không chỉ mở ra cho cô một con đường thênh thang với nghề, mà với khán giả, mà còn là dịp để có được cái nhìn hiếm hoi vào thế giới nội tâm sâu kín của những thân phận cảm thấy bản thể bị mắc kẹt trong một hình hài khác.

Hình ảnh gánh hát lô tô đi vào ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ như sự kiện giải trí khuấy động không khí lễ hội cho miền quê yên ả, nhưng bởi lòng người vẫn còn những biên giới, không phải lúc nào họ cũng được cộng đồng địa phương chấp nhận. Luôn cầm trên tay chiếc camera để sẵn sàng ghi lại cuộc sống hàng ngày của gánh hát lô tô, Thắm có lúc gần như đã đặt mình vào nguy hiểm. Chia sẻ với người viết, cô kể ngoài những rắc rối của đoàn hát như bị xin đểu, bị quậy phá, chọc ghẹo, có lần gánh hát còn bị hàng trăm dân làng bao vây sau một va chạm gây hiểu lầm. Giữa những gạch đá, lửa đốt, cô co rúm người trong một góc tối vì nỗi sợ hãi, vì cảm giác bị bỏ rơi khi ai đó trong đoàn lên tiếng trách móc cô và chiếc camera chỉ gieo điều xúi quẩy.

Phim ra mắt dịp cuối năm vừa qua, ngay lập tức đi vào lịch sử chiếu bóng hiện đại VN như là phim tài liệu đầu tiên được ra rạp chiếu thương mại. Không những thế phim lại còn rất ăn khách trên hành trình xuyên Việt đi qua các tỉnh thành lớn, trong đó có Đồng Nai, và bán được hơn 30 ngàn vé!

* Chuyện “xách bị xin tiền” của Điệp

Cho đến khi phim truyện dài đầu tay Đập cánh giữa không trung được ra mắt khán giả trên khắp cả nước vào cuối tháng 1-2015, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, cô mới tin điều ước của mình nay đã là sự thật. 5 năm là quãng đường dài có thể làm nản lòng bất cứ ai, nhưng với Điệp, mọi nỗ lực đều được cô hướng tới việc biến ý tưởng câu chuyện về một cô gái tuổi “teen” cần tiền đi phá thai trong lúc người bạn trai đã bỏ trốn, thành bộ phim trên thực tế.

Trên bình diện thế giới, những ý tưởng mơ mộng, lãng mạn cùng điện ảnh cũng được đánh giá cao. Riêng tại giải Oscar năm nay, bộ phim độc lập nghệ thuật Boyhood được cho là ứng viên sáng giá nhất cho giải phim xuất sắc. Phim này thể nghiệm một ý tưởng táo bạo khi để diễn viên chính ngoài đời cùng lớn lên theo nhân vật chính trên phim, khiến người xem có cảm giác cuộc đời và màn ảnh đã trộn lẫn vào nhau một cách kỳ lạ trong thời lượng 166 phút phim. Dự án kéo dài 12 năm này được xem là “điên rồ” tới mức không hãng phim lớn nào nhận, cho tới khi một hãng phim nhỏ tên IFC đồng ý chi đầu tư cho phim mỗi năm 200 ngàn USD. Chỉ riêng về mặt pháp lý, đoàn phim đã phải lúng túng khi không thể ký hợp đồng với dàn diễn viên, pháp luật chỉ cho phép thời hiệu tối đa của một hợp đồng lao động là 7 năm. Thậm chí, đạo diễn sinh năm 1960 Linklater còn căn dặn nam diễn viên Ethan Hawke (vai bố của nhân vật chính) rằng lỡ như ông có chết thì phải thay ông làm cho xong bộ phim.

Điệp kể, suốt 3 năm, từ 2010 đến 2012 là khoảng thời gian mà cô “chỉ tập trung cho việc….xách bị xin tiền của các quỹ hỗ trợ điện ảnh”. Tất cả những gì cô có trong tay là tập kịch bản và dự án sản xuất nó; rèn luyện kỹ năng chào mời, thuyết phục trước khi đi tới các liên hoan phim quốc tế (Busan, Udine, Cannes, Berlin, Hà Nội); tìm hiểu các địa chỉ mà cô sẽ gõ cửa (World Cinema Fund, Cinema du Monde, Sor Fond, CDEF, A&C...) để đáp ứng yêu cầu của họ. Mùa hè 2013, Đập cánh giữa không trung chính thức được khởi quay trong điều kiện kinh phí được xem là lý tưởng đối với một phim độc lập nghệ thuật giữa thời suy giảm kinh tế.

Nguyễn Hoàng Điệp tại Nantes, Pháp. (ảnh nhân vật cung cấp)
Nguyễn Hoàng Điệp tại Nantes, Pháp. (ảnh nhân vật cung cấp)

Ngay khi phim đã được công chiếu và khen ngợi tại nhiều liên hoan phim quốc tế, như: Venice, Toronto, Busan, Điệp vẫn tin rằng điều quan trọng là nó cần phải được giới thiệu đến rộng rãi công chúng, không thể cam chịu số phận... xếp kho. Cô liều mình đến gõ cửa một nhà phát hành lớn chỉ thường nhận chiếu những phim có tính thương mại cao. Và một lần nữa, Điệp đã thành công, chính thức khép lại chặng đường đi của những bước đầu tiên nhất (mà cũng gian nan nhất) trên con đường đến với thế giới điện ảnh.

Đăng Khôi

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích