Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuông vàng vọng cổ: Bền bỉ một chặng đường…

11:07, 22/07/2016

Chiều 20-7, Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Kiết Tường đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ XI-2016. Có thể nói, hiếm có một chương trình tìm kiếm giọng ca cải lương nào bền bỉ, trụ lâu trên sóng truyền hình và gần như trở thành một "thương hiệu" như Chuông vàng vọng cổ.

Chiều 20-7, Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Kiết Tường đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ XI-2016. Có thể nói, hiếm có một chương trình tìm kiếm giọng ca cải lương nào bền bỉ, trụ lâu trên sóng truyền hình và gần như trở thành một “thương hiệu” như Chuông vàng vọng cổ.

Ban giám khảo giải Chuông vàng vọng cổ 2016 vòng chung kết xếp hạng gồm: NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương.
Ban giám khảo giải Chuông vàng vọng cổ 2016 vòng chung kết xếp hạng gồm: NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương.

Chuông vàng vọng cổ khởi động mùa đầu tiên năm 2006 với tên gọi Ngôi sao vọng cổ truyền hình. Kể từ đó đến nay, “chuông vàng” không chỉ bó hẹp trong không gian của Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh mà mở rộng đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là một sân chơi mà các bạn trẻ yêu mến và có năng khiếu ca hát cải lương mong muốn được một lần thử sức.

* Chuông vàng tỏa sáng

Cuộc thi không chỉ góp phần bảo tồn, duy trì và tôn vinh bài vọng cổ mà còn khuyến khích mạnh mẽ phong trào ca hát cải lương trong quần chúng. Hình thức cuộc thi cũng ngày càng thay đổi để thu hút sự quan tâm của người xem. Trong đó, chất giọng vẫn là yếu tố quan trọng số một được đánh giá bởi đội ngũ giám khảo uy tín trong làng cải lương qua các mùa thi, như: soạn giả Lê Duy Hạnh, NSND Bạch Tuyết, NSND Thanh Tòng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Minh Vương…

Chuông vàng vọng cổ diễn ra định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, hiện có ý kiến cho rằng cuộc thi nên giãn ra, định kỳ khoảng 2 năm một lần để tránh tình trạng “vét” thí sinh.

Trong tình hình sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn như hiện nay, vẫn còn những ý kiến lo ngại về một số “chuông vàng” sau khi đoạt giải rồi mất hút, không có khả năng trụ lại và tỏa sáng trên sân khấu cải lương. Hiện trạng đó là có thật. Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Kiết Tường cũng đã nỗ lực xây dựng chương trình Ngân mãi chuông vàng, tập hợp các thí sinh đoạt giải cao qua các mùa cùng biểu diễn trong một vở cải lương, diễn định kỳ hàng tháng (có truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9) như một sự nối dài và là cơ hội để thí sinh đoạt giải được rèn luyện, có cơ hội làm nghề.

Nhưng như thế vẫn chưa là tất cả với những “chuông vàng” có xuất phát điểm chỉ là giọng ca tốt. Để họ thăng hoa, phát triển, ngoài cá nhân tự vận động còn cần có một môi trường hoạt động nghề đủ mạnh, sự quan tâm của các cấp đến hoạt động nghệ thuật cải lương giữa cuộc cạnh tranh gần như bất cân xứng với các loại hình giải trí thời thượng khác.

Trong tình hình chung như thế vẫn có những “chuông vàng” khẳng định được tên tuổi của mình theo năm tháng. Chính sự nỗ lực của họ đã minh chứng ban tổ chức đã đặt niềm tin đúng chỗ. Có thể kể ra như Võ Minh Lâm - chuông vàng mùa đầu tiên; Ngọc Đợi - chuông vàng năm  2007; Thu Vân - chuông vàng năm 2009…

* Thay đổi để đưa cải lương đến gần khán giả

Cuộc thi năm nay, số lượng thí sinh dự thi tăng so với năm ngoái, tổng cộng có 316 thí sinh trên toàn quốc tham gia dự thi. Ban tổ chức cho biết ngoài việc tăng về số lượng, độ tuổi thí sinh cũng trẻ hơn, trong đó có 2 thí sinh chỉ mới bước vào tuổi 16. Nhìn tổng thể từ vòng sơ tuyển, chất lượng thí sinh khá đồng đều và có một số nhân tố mới, vì vậy ban tổ chức hy vọng mùa thi năm nay sẽ đem đến cho khán giả một cuộc so tài đầy hấp dẫn.

Từ mùa đầu đến nay, qua từng mùa ban tổ chức đều cố gắng có những thay đổi. Cụ thể là năm ngoái, Chuông vàng vọng cổ đã có thêm Ban huấn luyện (gồm NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân, NSƯT Lê Tứ) đồng hành, huấn luyện và bồi dưỡng thêm kiến thức để thí sinh có thêm kinh nghiệm, tự tin trong 4 đêm chung kết xếp hạng. Ban huấn luyện ngoài việc huấn luyện cho đội mình, còn “gánh” thêm phần lý giải, tranh luận với ban giám khảo (gồm NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương) để làm rõ hoặc bảo vệ cho thí sinh trước những khen chê của ban giám khảo. Việc tranh luận này giúp cuộc thi có thêm không khí sôi nổi, đồng thời qua tranh luận giúp người xem hiểu rõ hơn về bài vọng cổ và những bài bản cải lương.

Thí sinh Nguyễn Thanh Toàn đoạt giải Chuông vàng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2015.
Thí sinh Nguyễn Thanh Toàn đoạt giải Chuông vàng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2015.

Năm nay, cuộc thi tiếp tục có thêm nét mới. ông Nguyễn Minh Hải, trưởng ban tổ chức cuộc thi, nhấn mạnh: “Năm nay ban tổ chức sẽ tập trung các thí sinh thi địa điểm duy nhất tại TP.Hồ Chí Minh nên vòng chung kết khu vực sẽ được đổi tên là Vòng tuyển chọn (phát sóng trong 4 đêm 4, 11, 18, 25-8 trên kênh HTV9). Ở vòng tuyển chọn này, ban giám khảo gồm: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân và NSƯT Lê Tứ. Năm nay, vòng này có nét mới là ban giám khảo không chấm điểm mà sẽ bàn bạc và tranh luận để lựa chọn thí sinh bước tiếp vào vòng trong. Với sự đổi mới này thí sinh sẽ biết rõ mình bị loại vì mắc lỗi gì, hoặc ban giám khảo sẽ tư vấn thêm với giọng ca như thế nên chọn hướng phát triển như thế nào. Trong mỗi đêm thi, ban giám khảo sẽ chọn những thí sinh hát tốt vào vòng trong, tuy nhiên những thí sinh rớt sẽ có thêm cơ hội ở đêm thi cuối cùng, đêm này họ sẽ được thi lần nữa để ban giám khảo “vớt” tiếp.

Ở vòng tuyển chọn, ban giám khảo sẽ chọn 12 thí sinh xuất sắc bước vào vòng chung kết xếp hạng, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 vào các đêm 1, 8, 15 và 22-9. Thí sinh sẽ tranh tài qua các vòng thi: ca trích một lớp diễn cải lương, hát cùng nghệ sĩ khách mời, diễn một trích đoạn cải lương và đêm chung kết cuối cùng là diễn một trích đoạn cải lương và ca một bài vọng cổ rút thăm tại chỗ”.

Trí Trọng

 
 

 

 

 

 

Tin xem nhiều