Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều suy ngẫm từ thất bại phòng vé của phim Fan cuồng

10:08, 05/08/2016

Phim Fan cuồng (đạo diễn Charlie Nguyễn) dù được làm bởi một ê-kíp "khủng" nhất Việt Nam, nhưng thất bại hoàn toàn về mặt doanh thu khi kinh phí sản xuất hơn 26 tỷ đồng, mà tiền vé chỉ thu về chỉ khoảng 13 tỷ đồng. Đây là ê-kíp đẻ ra khái niệm phim triệu USD tại Việt Nam, đã liên tục có 5-6 phim tạo nên dấu mốc lớn về bán vé, nên thất bại này khiến nhiều nhà sản xuất khác cảm thấy… kinh hoàng.

Phim Fan cuồng (đạo diễn Charlie Nguyễn) dù được làm bởi một ê-kíp “khủng” nhất Việt Nam, nhưng thất bại hoàn toàn về mặt doanh thu khi kinh phí sản xuất hơn 26 tỷ đồng, mà tiền vé chỉ thu về chỉ khoảng 13 tỷ đồng. Đây là ê-kíp đẻ ra khái niệm phim triệu USD tại Việt Nam, đã liên tục có 5-6 phim tạo nên dấu mốc lớn về bán vé, nên thất bại này khiến nhiều nhà sản xuất khác cảm thấy… kinh hoàng.

Với doanh thu như trên của Fan cuồng, nếu chia 50/50 cho nhà phát hành, phía sản xuất thực nhận khoảng 6,5 tỷ đồng, xem như phải bù lỗ gần 20 tỷ đồng, tương đương gần 1 triệu USD. Số tiền này mới nghe có thể chưa thật lớn, nhưng khi đi vào thực tế làm phim tại Việt Nam, nơi các phim thường được làm với 4-5 tỷ đồng, thì thất bại 20 tỷ đồng tương đương với thất bại của 4-5 phim.

Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 20 phim Việt ra rạp, số phim thành công về doanh thu chỉ chừng 1/4, khá ít ỏi khiến nhiều người âu lo. Nhà sản xuất phim đầu tay Tik tak, anh yêu em, dù kinh phí sản xuất thấp, phim còn trụ ngoài rạp nhưng chưa thu hồi được vốn đã nói đến việc sẽ tạm biệt chuyện làm phim sau khi tổng kết việc bán vé. Cái chết của Fan cuồng - một bộ phim được đánh giá là tử tế và được đầu tư bài bản - đã thật sự làm mất niềm tin của nhiều nhà sản xuất/ nhà đầu tư. Một số dự án phim phải dời ngày công chiếu, thậm chí dời ngày bấm máy như phim của Bá Vũ, Phương Điền…

Năm 2016 còn chấn động bằng cái chết của một số phim tử tế và được đầu tư bài bản khác, như: Siêu trộm, Truy sát, Bao giờ có yêu nhau… Một dự án công phu khác cũng đang rất lo lắng, đó là Tấm Cám - chuyện chưa kể do nữ diễn viên Ngô Thanh Vân đạo diễn và sản xuất, dự kiến ra mắt ngày 19-8 tới đây. Nếu phim nghiêm túc này thất bại thì thị trường phim Việt chiếu rạp sẽ vô cùng khó khăn, niềm tin tuột dốc không phanh. Hoặc tệ hơn, thị trường phim Việt chỉ còn tồn tại với những phim kinh phí thấp (như Con ma nhà họ Vương), hoặc các phim mì ăn liền, phim nhảm.

Khả năng thành công của Tấm Cám - chuyện chưa kể là 50/50, bởi đây là câu chuyện ai cũng biết rồi, nay được làm mới, nhiều người dễ quan tâm, tò mò. Nhưng do xích mích mới đây giữa Ngô Thanh Vân và CGV về việc tỷ lệ ăn chia mà CGV đang làm eo, có lúc tưởng như từ chối chiếu phim này. Nếu CGV mà từ chối thì phim thất bại coi như cầm chắc, bởi thị phần và sức ảnh hưởng của tập đoàn này quá lớn.

Cá tính và sự thẳng thắn của Ngô Thanh Vân làm cho nhiều người trong giới làm phim/phát hành không thích, đôi khi chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Thế nhưng trước cái chết của Fan cuồng, cả ê-kíp làm phim Tấm Cám - chuyện chưa kể lại tỏ ra khá đồng lòng khi cầu mong phim thắng lợi. Vì ai cũng biết để làm được một phim thì cần có sự chung tay của nhiều người, mà quan trọng nhất là phía bỏ tiền. Phim “ăn xổi ở thì” kinh phí thấp, nếu chết, phía bỏ tiền chùng bước một; phim tử tế - bài bản mà chết, họ chùng bước mười.

Cũng có những phân tích cho thấy sự lệ thuộc vào Hàn Quốc đang là điều khó chống lại với những nhà làm phim Việt, bởi người Hàn đã chiếm phần lớn hệ thống rạp chiếu. Một phim bình thường như Em là bà nội của anh mà có doanh thu cao nhất Việt Nam (102 tỷ đồng) cũng đủ cho thấy hệ thống rạp và việc xếp lịch chiếu phim rất là quan trọng. Nếu phim này không do tập đoàn mẹ của CGV đầu tư thì để thu về 50 - 60 tỷ đồng không hề đơn giản. Cái chết của Fan cuồng cũng đến một phần từ khía cạnh này, khi mà nhiều nhân viên phòng vé đã nói những câu không tốt với khán giả, cũng như việc xếp lịch chiếu chưa thật ưu việt.

Những phim đầu tư bài bản, như: Siêu trộm, Truy sát, Bao giờ có yêu nhau, Fan cuồng… chết, nhường chỗ cho những phim bài bản tương tự thành công (nhưng do phía Hàn Quốc đầu tư, với kịch bản theo văn hóa Hàn) có phải là chủ trương ngầm, chiến lược gián tiếp của người Hàn hay không, chỉ có thời gian mới trả lời được.

Hiền Hòa

Tin xem nhiều