Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi người dân tự nguyện…

10:10, 23/10/2016

Không chỉ góp tiền, đất xây dựng các thiết chế văn hóa, người dân trong tỉnh còn tự xây dựng những khu sinh hoạt, trang thiết bị máy móc phục vụ miễn phí hoạt động văn nghệ cho cộng đồng.

Không chỉ góp tiền, đất xây dựng các thiết chế văn hóa, người dân trong tỉnh còn tự xây dựng những khu sinh hoạt, trang thiết bị máy móc phục vụ miễn phí hoạt động văn nghệ cho cộng đồng.

Các thành viên trong Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) trong một buổi sinh hoạt, tập luyện để biểu diễn phục vụ người dân địa phương.
Các thành viên trong Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) trong một buổi sinh hoạt, tập luyện để biểu diễn phục vụ người dân địa phương.

Điều này đã góp phần tạo thêm địa điểm vui chơi giải trí cho người dân.

Góp sức xây dựng

Một trong những địa phương là điểm sáng thực hiện xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa là huyện Trảng Bom. Theo Phòng Văn hóa - thông tin huyện Trảng Bom, từ năm 2015 đến nay người dân trong huyện đã đóng góp trên 10 tỷ đồng để xây dựng 5 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng tại các xã: Sông Thao, Đồi 61, Bắc Sơn, Giang Điền, Hố Nai 3 và 16 nhà văn hóa ấp.

Cũng trong thời gian này, tại huyện Cẩm Mỹ đã có 9 nhà văn hóa ấp được xây dựng, nâng tổng số nhà văn hóa ấp của huyện lên 36/79 ấp. Với mỗi thiết chế trị giá 300 triệu đồng (phần vốn Nhà nước hỗ trợ là 150 triệu đồng, còn lại do nhân dân tự nguyện đóng góp), trong đó xã Lâm San là một điển hình thực hiện thành công cách làm này. Theo ông Bùi Trung Đông, Phó chủ tịch UBND xã Lâm San: “Xã có 6 ấp thì chỉ 4 ấp có đất công, còn 2 ấp không có đất để xây dựng công trình công cộng. Vậy là đối với 4 ấp có đất công là 2, 4, 5, 6, bà con chỉ đóng 300 ngàn đồng/hộ. Riêng 2 ấp 1, 3, mỗi hộ phải đóng gấp đôi để xây dựng cơ bản và mua đất. Thế nhưng nhờ được vận động, người dân thấy được sự cần thiết của thiết chế văn hóa cơ sở này đối với cộng đồng nên ai cũng hưởng ứng nhiệt tình. Tổng cộng bà con trong xã đã đóng góp được trên 770 triệu đồng để xây dựng 6 nhà văn hóa ấp”. 

Còn ông Trần Ngọc Xuân (ngụ ấp 3, xã Lâm San) cho hay: “Tuy số tiền đóng không phải là nhỏ nhưng là việc làm đúng đắn và cần thiết, nên tôi cũng như bà con trong ấp sẵn sàng đóng góp để hưởng ứng xây dựng thiết chế văn hóa này để mọi người có nơi sinh hoạt, vui chơi”.

Hoạt động sôi nổi

Nhờ tinh thần góp sức xây dựng quê hương của bà con, tính đến nay, 11/11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có trung tâm văn hóa - thể thao; 117/171 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng; 613/1.007 ấp, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao và 11 nhà văn hóa dân tộc thiểu số.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú, từ năm 2015 đến nay huyện đã xây dựng được 33 nhà văn hóa ấp, nâng tổng số nhà văn hóa tại địa phương lên 43/145 ấp, khu phố. Để xây dựng nên những thiết chế văn hóa này, UBND huyện phải hoán đổi vị trí đất cho tư nhân. Ngoài ra, đối với mỗi thiết chế văn hóa loại này, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng để xây dựng cơ bản với tiêu chuẩn của hội trường có sức chứa 80 ghế ngồi và diện tích sân khấu là 25m2. Riêng việc trang trí phông màn, mua sắm máy móc, bàn ghế sẽ được nhân dân tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện.

Hay như tại ấp Suối Tre (xã Suối Tre, TX.Long Khánh), đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ và người dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng để mở rộng nhà văn hóa ấp được xây dựng từ 50m2 lên 100m2, xây thêm một số công trình phụ, mua sắm thêm bàn ghế, dàn âm thanh... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con nhân dân.

Ngoài góp công sức, tiền bạc để xây dựng, mua sắm trang thiết bị, người dân còn trực tiếp tổ chức hoạt động tại những địa điểm này. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh, số buổi biểu diễn do những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cấp tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai, đội tuyên truyền lưu động của tỉnh, thị xã chỉ hiện diện ở các ấp, khu phố một vài lần trong năm. Vậy nên, chính những đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ, nhảy hiện đại, đờn ca tài tử ở mỗi ấp, khu phố là lực lượng làm nghệ thuật phục vụ cộng đồng thường xuyên, liên tục trong năm.

Có thể kể đến một số đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ nổi bật, như: Đội văn nghệ Phú Trung (thuộc Câu lạc bộ văn nghệ xã Phú Trung, huyện Tân Phú); Đội hát then ấp 8 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán); Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ)... Mỗi tổ chức này đều đã tự mua sắm các loại nhạc cụ, trang phục biểu diễn và cất công sưu tầm bài ca, điệu múa để truyền dạy cho nhau và biểu diễn phục vụ miễn phí cộng đồng trong nhiều năm qua.

“Không hát hay, đàn giỏi như nghệ sĩ chuyên nghiệp song trong khả năng của mình, tôi và các thành viên khác luôn cố gắng để đem đến cho mọi người những phút giây thư giãn, vui cười trong cuộc sống” - ông Ngô Thanh Tùng (48 tuổi, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) nói.

Văn Truyên

 

Tin xem nhiều