Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nghệ sĩ ruộng đồng lên tiếng

10:12, 30/12/2016

Hội thi "Nông thôn mới - trách nhiệm, hiệu quả và sáng tạo" năm 2016 có nhiều đổi mới so với năm 2015, với nội dung tập trung vào Bộ Tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh Đồng Nai mới được ban hành. Yêu cầu chung của hội thi là đại diện của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của các ấp, xã đều phải tham gia thi, qua các vòng thi kiểm tra kiến thức, tự giới thiệu (sân khấu hóa) và xử lý tình huống.

Hội thi “Nông thôn mới - trách nhiệm, hiệu quả và sáng tạo” năm 2016 có nhiều đổi mới so với năm 2015, với nội dung tập trung vào Bộ Tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh Đồng Nai mới được ban hành. Yêu cầu chung của hội thi là đại diện của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của các ấp, xã đều phải tham gia thi, qua các vòng thi kiểm tra kiến thức, tự giới thiệu (sân khấu hóa) và xử lý tình huống.

Chủ đề, nội dung và cả quy định của hội thi xem ra có vẻ cứng nhắc, nhất là phần sân khấu hóa đối với những nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng là điều khó thực hiện, chứ chưa nói gì đến những cán bộ địa phương luôn phải gắn với nhiệm vụ, công việc hàng ngày. Song mục tiêu đề ra là phải đủ sức hấp dẫn để tuyên truyền cho người dân hiểu về chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới của địa phương.

Tưởng rằng đề bài khá phức tạp ấy sẽ gây khó cho cả thí sinh và giám khảo, song những đội thi đã xua tan những mối nghi ngại và chinh phục được những người xem khó tính nhất. Những tiết mục sân khấu hóa đều là sản phẩm “cây nhà lá vườn”, các đội tự dàn dựng, tự thể hiện. Tất cả các thành viên đều phải tham gia xây dựng kịch bản, chuẩn bị “đạo cụ” và vào vai các nhân vật, làm sao để giới thiệu về nông thôn mới của địa phương mình một cách dễ hiểu và hấp dẫn nhất.

Chính sự chân thật, hồn nhiên đã giúp cho các “diễn viên” đóng tròn vai của mình, làm sinh động tiết mục của đội, qua đó thể hiện năng lực của người cán bộ địa phương. Có lẽ nhờ kinh nghiệm thực tế và sự nhập cuộc của mỗi người trong chương trình nông thôn mới mà họ nhập vai rất tốt, thể hiện tròn trịa nhân vật của mình. Gói gọn trong 10-15 phút biểu diễn, nhưng mỗi đội đều đưa ra được tình huống với nhiều nét tính cách nhân vật, nhiều chi tiết, tình tiết đắt giá, mang nét riêng của đời sống kinh tế, văn hóa của xóm ấp, thôn xã mình đang sống.

Gây ngạc nhiên và thú vị nhất chính là những đoạn ca múa tự biên tự diễn, dựa vào tài lẻ, sở đoản mà làm “nên chuyện” tại hội thi. Đội thì có người ca vọng cổ rất ngọt, đội thì thể hiện đờn ca tài tử, rồi ngâm thơ, diễn thơ, thậm chí nhảy hiphop, hát nhạc rap... Dường như các tiết mục hoặc trích đoạn đều được “đo ni đóng giày” cho phù hợp với khả năng của người biểu diễn; những nghệ sĩ nghiệp dư lúc ấy không chỉ vì màu cờ sắc áo của đội, mà còn vì tình yêu quê hương, ruộng đồng, vì nghề nghiệp, đam mê của chính bản thân mình, mà cất lên lời ca tiếng hát mộc mạc nhưng cũng rất say sưa. Qua đó, thông điệp của mỗi đội được lồng ghép chinh phục người xem, và hiệu ứng nghệ thuật đi thẳng vào tình cảm của khán giả, cũng là người nhà, bạn bè, đồng nghiệp của “thí sinh”. Chưa thể coi những phần biểu diễn này là chuyên nghiệp, song sự cố gắng của toàn đội cộng với sự cổ vũ nhiệt tình của người xem đã mang đến những tiếng cười, những tràng vỗ tay, những loạt trống vui tươi, sảng khoái, đủ xua tan những khó nhọc ngày thường và đọng lại những cảm xúc tích cực.

Đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đều đã tổ chức hội thi thành công. Nhìn chung, các hội thi đều vui từ đầu đến cuối, vừa cuốn hút vừa có sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân, gây ấn tượng nhất có lẽ là huyện Định Quán và TP.Biên Hòa. Có được điều đó là nhờ vào sự dày công tập huấn, hỗ trợ chuyên môn của Văn phòng điều phối Nông thôn mới của tỉnh; nhờ vào công tác tổ chức tốt của Tỉnh đoàn và sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương. Song ở góc độ là sân chơi của một tỉnh, với tên gọi khiêm tốn là “hội thi”, hiện các chương trình được ghi hình lại để làm tài liệu tuyên truyền. Nếu được quảng bá rộng rãi và đầu tư tốt hơn, thì có thể hội thi sẽ phát triển thành một game show rất hấp dẫn không thua các chương trình khởi nghiệp, như Thần tài gõ cửa hay Vượt lên chính mình...

May mắn được tham gia Hội đồng giám khảo của hội thi này, tôi rất tâm đắc với những trải nghiệm tại hội thi và mong sao chương trình không chỉ là sáng kiến để tuyên truyền nhiệm vụ nông thôn mới của tỉnh, mà còn là sân chơi đầy hứng khởi của những người nghệ sĩ không chuyên, suốt đời gắn bó với ruộng đồng, cây trái.

Mai Sơn

 

Tin xem nhiều