Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngộ nhận - nối dài khát khao của Hồng Hạc...

10:12, 02/12/2016

Sân khấu kịch Hồng Hạc (TP.Hồ Chí Minh) vừa tổ chức phúc khảo vở kịch Ngộ nhận. Đây là một vở kịch không dễ xem và một lần nữa sân khấu này lại tiếp tục khẳng định con đường của mình khi chọn dòng kịch mang nhiều tính chất thử nghiệm và không chiều theo số đông khán giả…

Sân khấu kịch Hồng Hạc (TP.Hồ Chí Minh) vừa tổ chức phúc khảo vở kịch Ngộ nhận. Đây là một vở kịch không dễ xem và một lần nữa sân khấu này lại tiếp tục khẳng định con đường của mình khi chọn dòng kịch mang nhiều tính chất thử nghiệm và không chiều theo số đông khán giả…

Cảnh trong vở Ngộ nhận.  Ảnh: T.Trọng
Cảnh trong vở Ngộ nhận. Ảnh: T.Trọng

Ngộ nhận là kịch bản nổi tiếng của tác giả Albert Camus, người được xem là tác giả tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh. Đạo diễn trẻ Tây Phong đã dàn dựng làm vở báo cáo tốt nghiệp Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh vào tháng 3-2016. TÌnh cờ đạo diễn Việt Linh - Giám đốc nghệ thuật của sân khấu Hồng Hạc đi xem, thấy thích và đã chủ động mời ê-kíp về dàn dựng lại trên sân khấu kịch Hồng Hạc.

* Màu sắc khác lạ

Vở có độ dài khoảng 90 phút, là câu chuyện mang màu sắc khác lạ so với những vở diễn hiện nay ở sân khấu kịch TP.Hồ Chí Minh. Một câu chuyện trong thế giới của những người máy. Ở đó có chàng trai tìm về quê hương với mẹ và em gái sau hơn 20 năm lưu lạc. Một cuộc đoàn viên tưởng êm đềm hóa ra dông bão và oan nghiệt…

Ngộ nhận sẽ chính thức ra mắt khán giả vào ngày 9-12 tại sân khấu kịch Hồng Hạc. Trong tháng 12 này, sân khấu Hồng Hạc cũng sẽ trình làng lại những vở diễn cũ của sân khấu với diện mạo mới, như: Diễn viên hạng ba, Visa… Các vở diễn sẽ có thay đổi một phần kịch bản, tiết tấu và diễn viên. Sân khấu này cũng đang xúc tiến dàn dựng vở mới I am đàn bà của tác giả Y Ban, do NSƯT Hạnh Thúy làm đạo diễn.

Ngộ nhận có sự chọn lọc trong âm nhạc, thiết kế bục bệ trông có vẻ cứng nhắc nhưng là nơi ẩn giấu những bí mật. Khi cần thiết thắt mở câu chuyện, những hình nhân áo trắng xuất hiện với các động tác múa đương đại như mơ hồ dự báo những diễn tiến sắp tới. Đạo diễn còn sử dụng họ như những “hậu đài” di chuyển cảnh trí ngay trên sân khấu, ngay khi câu chuyện vẫn đang xảy ra mà không cần xuống đèn, linh hoạt và hiệu quả.

Một vở diễn có tính vận động liên tục, rất ít thời gian chết nên diễn viên gần như cũng hoạt động hết công suất. Lời thoại trau chuốt, ý nghĩa và… khá dài, nên việc thuộc thoại thôi cũng là cả vấn đề. Hơn nữa, vở lấy không gian của thế giới người máy nên các diễn viên không thể biểu diễn động tác như thông thường mà phải đi đứng sao cho đúng như… người máy! Chính đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu cũng thừa nhận: “Các bạn đang tiếp xúc loại hình kịch mới, chỉ riêng việc xử lý đài từ và hình thể cho khớp nhau thôi cũng đã vất vả rồi!”.

Có thể nói, gần như lần đầu tiên Ngộ nhận được đưa lên sân khấu kịch Việt Nam để bán vé phục vụ khán giả. Một quyết định táo bạo của ê-kíp thực hiện để thăm dò thị hiếu khán giả. Bởi theo đạo diễn Việt Linh thì vở có nhiều triết lý sâu xa: “Với tác giả Albert Camus, mọi người đọc tác phẩm của ông đều nhận thấy rõ tính triết lý và phi lý trong cách ông thể hiện. Với vở diễn này, tôi đã đề nghị đạo diễn Tây Phong cố gắng bớt đi tính phi lý và đẩy mạnh tính nhân văn để khán giả có thể cảm nhận được”.

* Bền bỉ con đường riêng

Tháng 12 này, sân khấu kịch Hồng Hạc sẽ kỷ niệm tròn 1 tuổi. Một năm xuất hiện tại thị trường sân khấu kịch TP.Hồ Chí Minh đang có nhiều khủng hoảng, nhiễu loạn và có dấu hiệu đi xuống rõ rệt. Ê-kíp ngay từ đầu xác định dàn dựng những vở diễn đậm tính chất văn học, nói không với hài nhảm, xàm, giả gái uốn éo… Độ dài vở diễn chỉ khoảng 90 phút, trong một không gian ấm cúng của Trường múa TP.Hồ Chí Minh không quá 200 chỗ ngồi và giá vé cao thuộc hàng… vô địch so với những sân khấu xã hội hóa khác.

Chấp nhận giữ giá trị riêng để mong tìm được khán giả tri âm, mặc dù đối tượng khán giả đó không thuộc về số đông, như cách đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhìn vào sân khấu: “Vở diễn buộc người xem phải chăm chú từ đầu tới cuối, không lơ ra được bởi lơ ra có thể không nắm hết được ý nghĩa vở diễn. Với cách làm kịch này, đòi hỏi người xem có một cách xem khác so với các sân khấu kịch thông thường”.

Còn đạo diễn Trần Ngọc Giàu thì nhấn mạnh thêm: “Sân khấu kịch nói chung hiện nay đã bắt đầu nhàm chán rồi, vì vậy có lẽ việc tìm lối đi riêng là điều cần thiết. Bản thân khán giả cũng phải nên thay đổi cách xem, cách cảm thụ nghệ thuật”.

Trí Trọng

 

 

Tin xem nhiều