Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngoại khóa ở di tích, danh thắng

07:11, 23/11/2017

Vừa lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai, Nguyễn Văn Tài (học sinh Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu, TP.Biên Hòa) vừa cùng các bạn trong lớp ghi chép cẩn thận vào tập.

Vừa lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai, Nguyễn Văn Tài (học sinh Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu, TP.Biên Hòa) vừa cùng các bạn trong lớp ghi chép cẩn thận vào tập. Với Tài và các bạn, buổi tham quan do nhà trường tổ chức không chỉ dừng lại ở việc đi đến xem cho biết mà còn trở thành một bài thu hoạch cho tiết học ngoại khóa.

Sinh viên Trường đại học Đồng Nai dâng hương tại di tích lịch sử cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên trong dịp lễ Quốc khánh 2-9-2017. Ảnh: V.TUYÊN
Sinh viên Trường đại học Đồng Nai dâng hương tại di tích lịch sử cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên trong dịp lễ Quốc khánh 2-9-2017. Ảnh: V.TUYÊN

Những tiết học ngoại khóa ở các thiết chế văn hóa, di tích như thế này đã được một số trường học thực hiện nhằm tạo hứng khởi cho học sinh tìm hiểu văn hóa, lịch sử nước nhà.

* Rộng cửa đón chào...

Chỉ cần lên mạng internet gõ vào tên địa điểm lựa chọn đến tham quan các trường sẽ có ngay số điện thoại đặt lịch đến di tích, thiết chế văn hóa. Các trường cũng sẽ được bố trí hướng dẫn viên, tham quan tìm hiểu, chụp ảnh tất cả những hiện vật đang được trưng bày, cảnh quan. Đặc biệt, tất cả các hoạt động này đều miễn phí với du khách.

 Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, từ nhiều năm qua đơn vị đã phối hợp với Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, các địa phương trong tỉnh đến tận trường để giới thiệu, khuyến khích các trường đến tham quan, tìm hiểu tại di tích. Ban đầu các trường hưởng ứng rất nhiệt tình song do điều kiện của từng trường khó khăn, cơ sở vật chất tại di tích không đáp ứng được nhu cầu tham quan với số lượng lớn nên việc làm này không duy trì được lâu. Cũng cùng thời điểm này còn có chương trình mỗi trường học phụ trách chăm sóc di tích, tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại di tích. Song những năm gần đây việc làm này chỉ còn Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai (chăm sóc di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Tri Phương, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) và Trường THCS Trịnh Hoài Đức (phụ trách chăm sóc di tích lịch sử cấp quốc gia lăng mộ Trịnh Hoài Đức, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Từ đầu năm đến nay số lượng các trường đưa học sinh tham quan di tích đang tăng dần.

Như chia sẻ của thầy Hà Thành Trung, giáo viên Trường THPT Hồng Đức (TP.Hồ Chí Minh) khi vừa cùng học sinh của trường đến sinh hoạt ngoại khóa tại Văn miếu Trấn Biên: “Nhà trường liên hệ rất dễ dàng với di tích để đặt lịch tham quan. Khi đến nơi chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đơn vị quản lý. Cộng thêm quang cảnh đẹp, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát của di tích, buổi sinh hoạt ngoại khóa tại Văn miếu Trấn Biên đã tạo được ấn tượng với thầy và trò của trường”.

Với 55 di tích đã được xếp hạng (cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt) cùng hàng trăm di tích đang trong lộ trình lập hồ sơ xếp hạng, Đồng Nai là một trong những điểm đến lý thú, làm phong phú thêm lựa chọn cho các trường học, từ: di tích khảo cổ học đến di tích văn hóa , lịch sử, kiến trúc, di tích thắng cảnh, tâm linh...

Theo đại diện Ban Quản lý di tích tỉnh, những năm gần đây các di tích trong tỉnh không ngừng được đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.

Cụ thể, như sau khi hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), có thêm nhà trưng bày kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam giữ tại đây, khu vực sân sinh hoạt chung... nên hàng tháng nơi đây đón nhiều đoàn học sinh, sinh viên, đoàn về nguồn của các cơ quan, đơn vị đến tham quan, tìm hiểu hơn so với trước.

Ngoài ra còn phải kể đến di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đang bước vào những công đoạn cuối cùng của quá trình trùng tu, tôn tạo. Riêng với di tích lịch sử cấp quốc gia mộ Trịnh Hoài Đức (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã được đầu tư sửa chữa nhỏ nhằm tạo vẻ mỹ quan cho tổng thể di tích. Còn di tích cấp quốc gia đặc biệt khảo cổ Hàng Gòn (TX.Long Khánh) được đầu tư cảnh quan, nhà vòm để đón du khách đến tham quan...

* Nhưng còn vắng khách

Nhiều điểm đến hấp dẫn và luôn sẵn sàng đón chào là vậy, song có một thực tế là không nhiều trường tổ chức cho học sinh đến các di tích, thiết chế văn hóa tham quan. Nơi được các trường chọn đến chỉ đếm trên đầu ngón tay với những cái tên quen thuộc, như: Bảo tàng Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên, Nhà lao Tân Hiệp, Mộ cự thạch Hàng Gòn...

Thêm vào đó, nếu nhìn vào danh sách các trường đăng ký cho học sinh tham quan được lưu trữ tại các di tích, thiết chế văn hóa có thể thấy có trường năm nào cũng tổ chức cho học sinh đến tham quan, song cũng có trường ”làm lơ” mặc dù rất gần di tích, thiết chế văn hóa.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu (TP.Biên Hòa) tham quan Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: V.TUYÊN
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu (TP.Biên Hòa) tham quan Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: V.TUYÊN

Trong khi các trường học trong tỉnh không mấy mặn mà tổ chức cho học sinh đến tham quan những di tích, thiết chế văn hóa thì một số trường học ở xa Đồng Nai, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận lại chọn các di tích của Đồng Nai làm điểm đến trong các buổi tham quan, sinh hoạt ngoại khóa.

Qua đó, có thể thấy không phải di tích Đồng Nai kém hấp dẫn học sinh, sinh viên và giáo viên mà có lẽ là “bụt chùa nhà không thiêng”, hoặc do thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Mong rằng trong thời gian tới với những điều kiện thuận lợi sẵn có, di tích và thiết chế văn hóa trong tỉnh sẽ là điểm đến sinh hoạt ngoại khóa được các trường ưu tiên lựa chọn để học sinh, sinh viên hiểu hơn về lịch sử, cảnh đẹp quê hương.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều