Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng cô Tổng phụ trách Đội

08:11, 27/11/2017

"Mẹ con bỏ đi lâu rồi không về, chỉ có ba đi làm thuê nuôi 4 anh em con và bà nội. Vì nhà nghèo, không ai đưa đón nên 2 năm trước 3 anh em con phải nghỉ học. Nhờ cô An đến nhà mua cho xe đạp, lo tiền ăn, đóng tiền trường mà 3 anh em được đi học lại, con vui lắm".

“Mẹ con bỏ đi lâu rồi không về, chỉ có ba đi làm thuê nuôi 4 anh em con và bà nội. Vì nhà nghèo, không ai đưa đón nên 2 năm trước 3 anh em con phải nghỉ học. Nhờ cô An đến nhà mua cho xe đạp, lo tiền ăn, đóng tiền trường mà 3 anh em được đi học lại, con vui lắm”- em Đặng Chí Tài (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hòa Bình, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) kể.

Cô Trần Thị An (giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hòa Bình, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) trò chuyện cùng người dân bên cây cầu do cô vận động mạnh thường quân xây dựng. Ảnh: V.TUYÊN
Cô Trần Thị An (giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hòa Bình, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) trò chuyện cùng người dân bên cây cầu do cô vận động mạnh thường quân xây dựng. Ảnh: V.TUYÊN

Không chỉ riêng anh em nhà Đặng Chí Tài, cô Trần Thị An (giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hòa Bình) còn là chỗ dựa cho hơn 200 em học sinh khác có thêm điều kiện đến trường.

* Tiếp sức cho học trò nghèo

2 năm nay, cô Trần Thị An đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho 135 em đang học mầm non và 80 học sinh tiểu học học bán trú tại các trường mầm non, tiểu học ở xã Sông Ray 5 ngàn đồng/bữa ăn trưa. Riêng những em gia đình quá khó khăn được cô hỗ trợ 10 ngàn đồng cho một suất ăn.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Sông Ray, cho hay: “Những việc làm của cô Trần Thị An đã có tác dụng rất lớn, góp phần cùng với chính quyền chăm lo cho người khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.

Không chỉ giúp các em có thêm điều kiện đến trường bằng những chiếc xe đạp, tiền đóng bữa ăn hàng ngày, cô An còn dành sự ưu ái với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, đã mấy năm qua, hàng tháng cô An đều hỗ trợ cho em Vi Văn Giang (người dân tộc Nùng, học lớp 3) bị mắc bệnh thoái hóa khớp, thiếu máu cục bộ 1 triệu đồng để hỗ trợ gia đình đưa em đi truyền máu. Do cha mẹ em Vi Văn Giang đều đau ốm lại nghèo khó nên cô An đã đứng ra vận động cho gia đình cậu học trò nghèo một căn nhà kiên cố để ở.

Với những học sinh khác của trường bị bệnh nặng, bị khuyết tật như: Vi Văn Trường (lớp 4), Vi Quỳnh Như  (lớp 1)... không thể tự mình đến lớp, cô An thường xuyên đưa đón từ nhà đến trường để cha mẹ các em yên tâm  đi làm.

* Người bắc những nhịp cầu

Không chỉ hỗ trợ về tiền học, giúp gia đình chữa bệnh cho các em, cô An còn tham gia vận động các mạnh thường quân xây dựng 7 cây cầu dân sinh tại một số xã ở huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc nhằm giúp người dân di chuyển qua những con suối được an toàn. Ông Nguyễn Văn Mạnh (ngụ ấp 10, xã Sông Ray) cho hay: “Trước đây từ đường tỉnh 764 vào khu bờ hồ làng dân tộc ở khu 9, ấp 10 phải đi qua cây cầu gỗ bắc qua suối. Do cầu tạm này chỉ là 2 tấm ván rộng chưa đến 0,5m, bắc qua con suối rộng hơn 15m nên đã có nhiều người, nhất là học sinh lọt suối”.

Từ những câu chuyện nghe được về sự nguy hiểm mà người dân gặp phải hàng ngày, cô An đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi mọi người hỗ trợ xây cầu dân sinh. “Sau giờ lên lớp, tôi tìm đến những nơi có cầu tạm để chụp ảnh, gặp người dân để nghe họ nói về mong mỏi của mình. Sau đó, tôi viết bài kêu gọi và chờ đợi những người có tấm lòng từ thiện mở lòng. Rất may, công sức của tôi cùng sự mong mỏi của bà con đã có một cái kết đẹp” - cô An nói.

Từ lời kêu gọi của cô An, nhiều nhóm thiện nguyện đã về liên hệ với chính quyền địa phương để tiến hành khảo sát và xây cầu cho bà con. Bà Vi Thị Cớ (ngụ xã Sông Ray) vui mừng cho hay: “Từ khi có cây cầu mới ai cũng vui. Tôi yên tâm vì con mình đi học, đi làm lúc trời mưa không còn phải liều mạng qua cầu tạm mà có thể chạy xe đạp an toàn đến trường, đến chỗ làm”.

Ngoài kêu gọi xây cầu dân sinh để người dân an tâm di chuyển, cô An còn được bà con biết ơn khi đã xây dựng 10 căn nhà tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn. Hay với những gia đình không có điều kiện để canh tác, cô An đã hỗ trợ làm 13 giếng khoan cho người dân địa phương. “Cả nhà tạm và đất sản xuất của gia đình chỉ có diện tích chưa đến 1 sào đất, vợ chồng phải làm thuê làm mướn để nuôi con nên rất khó khăn. Năm 2015, qua sự vận động của cô An, gia đình đã có căn nhà kiên cố để ở, được cho 3 con dê làm vốn để cải thiện đời sống” - bà Hoàng Thị Khiêm (38 tuổi, ngụ xã Sông Ray), nói.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều