Báo Đồng Nai điện tử
En

Truyện Kiều lên sân khấu múa

07:03, 17/03/2018

Vở Múa Kiều (đồng biên đạo Yoo Oh Chun - Nguyễn Phúc Hùng) do các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trình diễn vừa ra mắt khán giả TP.Hồ Chí Minh. Đây gần như là lần đầu tiên Truyện Kiều lên sân khấu múa.

Vở Múa Kiều (đồng biên đạo Yoo Oh Chun - Nguyễn Phúc Hùng) do các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc trình diễn vừa ra mắt khán giả TP.Hồ Chí Minh. Đây gần như là lần đầu tiên Truyện Kiều lên sân khấu múa. 

Sóng gió đau thương ập tới với thân phận nàng Kiều. Ảnh: Trần Hoàng Sơn
Sóng gió đau thương ập tới với thân phận nàng Kiều. Ảnh: Trần Hoàng Sơn

Vở Múa Kiều có sự kết hợp của NSƯT Trần Hoàng Yến, một diễn viên múa nổi bật, cùng các diễn viên múa trẻ của nhóm Y.O Saigon Dance Ensemble. Về âm nhạc dân tộc, ngoài Kwon-Soon Kang còn có NSND Thanh Hoài hát ca trù, nghệ sĩ Lê Hoài Phương chơi đàn đá, Cao Hồ Nga đàn t’rưng, Trần Khánh Tường sáo trúc, Nghiêm Thu đàn tỳ bà… 

* Khán giả quốc tế rất thích

Với các nhà nghiên cứu, các vị Kiều học có mặt chứng kiến 2 đêm đầu tiên của vở diễn, đương nhiên còn nhiều chuyện phải bàn sâu hơn, liệu vở diễn đã lột tả được thật sự Truyện Kiều hay chưa? Các ảnh hưởng đan xen giữa văn hóa Hàn Quốc vào văn hóa Việt trong vở diễn, như những nét thiết kế trên phục trang, đường nét chậm rãi của múa truyền thống Hàn Quốc, âm hưởng dân ca Hàn Quốc… có cần thiết phải loại bỏ để vở diễn trở nên thuần Việt hơn?...

Nhưng với khán giả đại chúng, nhiều người đã rơi nước mắt thương Kiều. Với du khách nước ngoài thậm chí còn chưa từng đọc Truyện Kiều và cũng không biết gì về đại thi hào Nguyễn Du, trả lời phỏng vấn sau đêm diễn đều cho biết: “Vở diễn đậm chất Á Đông, đẹp lộng lẫy, âm nhạc hay, rất cuốn hút”. Cho dù không hiểu hết nội dung câu chuyện nhưng du khách quốc tế vẫn khẳng định rất thích Múa Kiều. Các đêm diễn tại Nhà hát TP.Hồ Chí Minh đã không còn ghế trống. 

Khán giả Việt thì rơi nhiều nước mắt ở cảnh Kiều quyết định gieo mình xuống sông Tiền Đường. Ở cảnh này, giọng hát ca trù của NSND Thanh Hoài được vang lên trên nền âm nhạc đương đại do cả dàn nhạc trình tấu. Mấy khán giả chịu thấu khi nghe: “Cho hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao/ Có đâu thiên vị người nào/ Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai/ Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần/ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài...”. 

* Tấm lòng của Yoo Oh Chun 

“Mỗi lần đọc Truyện Kiều là tôi lại thương số phận nàng Kiều. Tôi rất ngưỡng mộ Nguyễn Du, nên từ lâu đã mong muốn tái hiện kiệt tác này bằng một vở diễn, một tác phẩm nào đó trên sân khấu với tâm thế của xã hội hiện đại” - biên đạo Yoo Oh Chun, đến từ Hàn Quốc, cho biết. 

Vẻ đẹp truyền thống được khắc họa bằng ngôn ngữ đương đại.
Vẻ đẹp truyền thống được khắc họa bằng ngôn ngữ đương đại.

“Mỗi buổi sáng, hầu như các dòng trạng thái trên trang cá nhân của Yoo Oh Chun cũng đều là những câu mang âm hưởng Truyện Kiều” - biên đạo Nguyễn Phúc Hùng cho biết. Biên đạo này cho biết khi trao đổi về ý tưởng vở diễn với đồng đạo diễn Yoo Oh Chun, anh đã không khỏi ngạc nhiên về độ am hiểu của bà. 

Riêng về cách dàn dựng, biên đạo Nguyễn Phúc Hùng cho biết Yoo Oh Chun không áp đặt, mà để cho toàn bộ dàn diễn viên có 2 tháng tự cảm nhận và tự đưa ra cách trình diễn tốt nhất. 

Sau khi trình diễn tại Nhà hát TP.Hồ Chí Minh, Múa Kiều sẽ trình diễn nhiều suất cho khán giả trẻ và du khách đến Việt Nam. Vở cũng dự kiến tham dự các liên hoan nghệ thuật quốc tế để giới thiệu về văn hóa Việt. 

Thái Bình

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích