Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắn bảo tồn di tích với phát triển du lịch

09:10, 27/10/2018

Trong 2 ngày 25 và 26-10, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức hội thảo Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch...

Trong 2 ngày 25 và 26-10, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức hội thảo Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, Thành cổ Biên Hòa, Nhà lao Tân Hiệp, Chiến khu Đ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đến tham quan Vườn tượng Ấn tượng Chiến khu Đ tại Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đến tham quan Vườn tượng Ấn tượng Chiến khu Đ tại Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ.

Tại hội thảo, những người làm công tác nghiên cứu văn hóa, bảo tồn di tích, phát triển du lịch đã có nhiều đóng góp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

* Nhiều di tích “chết”

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 55 di tích được xếp hạng cùng hơn 1 ngàn di tích phổ thông với những nét độc đáo về địa hình, lịch sử, văn hóa, kiến trúc... góp phần tạo nên nét đặc trưng, tiêu biểu, nổi bật của di tích tại Đồng Nai. Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, trong số này chỉ có khu danh thắng Bửu Long và núi Chứa Chan được đầu tư và trở thành địa điểm du lịch được cả nước biết đến với lượng khách hằng năm lên đến hàng trăm ngàn người.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Cát Hoa: “Nên có những hoạt động mời gọi, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo từ các chuyên gia, người dân đồng thời cần xây dựng chiến lược truyền thông để quảng bá, xúc tiến du lịch đối với các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh”.

Theo bà Lương Thúy Nga, Phó trưởng phòng Quản lý di sản Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, hầu hết các di tích trong tỉnh hiện nay không người trông coi thường xuyên và không có các dịch vụ. Do vậy khi du khách muốn đến tham quan phải liên hệ trước nên họ cũng ngại đến.

Còn ông Lê Trí Dũng cho hay: “Một di tích “chết” khi không người đến tham quan. Ở Đồng Nai, những di tích “chết” khá nhiều. Nguyên nhân được xác định là chưa có mô hình phù hợp để khai thác hiệu quả giá trị của di tích”.

Làm rõ hơn vấn đề này, TS.Nguyễn Hồng Ân, Hiệu trưởng Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai phân tích: tại Đồng Nai có di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn là điểm nhấn về khảo cổ của cả nước hay Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh hơn 300 năm tuổi cũng là một địa điểm có giá trị về mặt lịch sử. Nhưng lượng người đến 2 di tích này chủ yếu là các nhà khoa học và số ít sinh viên, học sinh trong tỉnh. Bởi tại các di tích này không có bất cứ hoạt động sinh hoạt, dịch vụ gì kèm theo và hầu như không có sự quảng bá nào nên chưa tạo được sức hút với du khách.

* Cần sự kết nối

Cũng vì lý do này mà mỗi địa phương, ngành văn hóa, Ban quý tế ở di tích và người dân địa phương không hưởng được nguồn lợi gì từ di tích, trong khi số lượng kinh phí bỏ ra để trùng tu, tôn tạo di tích rất lớn. Để phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, Đồng Nai đã có nhiều giải pháp như: trùng tu, tôn tạo hàng loạt di tích, việc quảng bá di tích được đẩy mạnh, nhiều cuộc thi tìm hiểu giá trị di tích được tổ chức…

Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, di tích không thể tự phát triển du lịch mà cần có sự đầu tư để kết nối các di tích thông qua cơ sở hạ tầng, dịch vụ, quảng bá.

Tuy nhiên, theo ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Đồng Nai, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, những giải pháp trong thời gian qua là chưa đủ và tỉnh vẫn chưa tạo được bước đi vững chắc, việc làm hiệu quả trong phát huy giá trị di tích gắn với du lịch. Chính những cơ chế chính sách không còn phù hợp đang là rào cản rất lớn, kìm hãm sự gắn kết giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch. Chẳng hạn, để tạo ra kinh phí đảm bảo cho các hoạt động của di tích, đáp ứng nhu cầu dịch vụ của du khách thì những người làm công tác quản lý di tích đã tổ chức hoạt động xã hội hóa dịch vụ tại di tích, song vướng rất nhiều quy định nên không thực hiện được. Thậm chí có nơi còn xin ra khỏi danh sách di tích được xếp hạng để việc trùng tu, tôn tạo, tổ chức dịch vụ tại di tích được thuận lợi hơn. Do đó cần “cởi trói” cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, việc kết nối giữa những người làm công tác quản lý, bảo tồn di tích với cơ quan quản lý du lịch, đơn vị tổ chức du lịch còn rất hạn chế. Ông Nguyễn Hoàng Nhung, Phó giám đốc chi nhánh Công ty TNHH một thành viên dịch vụ lữ hành Sài Gòn Tourist chi nhánh Đồng Nai cho biết, từ năm 2017 đến nay, đơn vị phục vụ khoảng 3 ngàn khách các nơi đến Đồng Nai. Số khách này chủ yếu đến các sân golf, khu du lịch, còn di tích thì đơn vị chưa đưa được du khách đến tham quan do khách không có nhu cầu. Để hút du khách đến với di tích, địa phương cần chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị làm du lịch đồng thời tạo ra điểm nhấn đối với mỗi di tích và có sản phẩm dịch vụ kèm theo.

Văn Truyên

Tin xem nhiều