Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa nhiều chuyển biến

09:10, 25/10/2018

Theo bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua 20 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến song vẫn còn rất hạn chế.

Theo bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, qua 20 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến song vẫn còn rất hạn chế.

đốt vàng mã trong lễ cúng cô hồn vào chiều 24-10-2018 (nhằm ngày 16-9 âm lịch). ảnh: V.Truyên
đốt vàng mã trong lễ cúng cô hồn vào chiều 24-10-2018 (nhằm ngày 16-9 âm lịch). ảnh: V.Truyên

Những hình ảnh không đẹp về việc cưới, tang và lễ hội như: dựng rạp đám ma, đám cưới chiếm hết vỉa hè, lấn xuống cả lòng đường; việc rải vàng mã khi đưa tang; lễ hội tổ chức thiếu trật tự, văn minh khi mà các gian hàng mua bán tràn xuống cả lòng đường… dễ dàng trông thấy ở khắp nơi.

* Chưa thực sự đi vào đời sống

Thông qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã bổ sung một số tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội để bình xét danh hiệu ấp, khu phố văn hóa. Trong đó, tổ chức việc tang phải đúng quy định của pháp luật, chu đáo, trang nghiêm và tiết kiệm. Thời gian tổ chức tang lễ và mai táng người chết không quá 72 giờ kể từ khi qua đời. Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian an táng, thi hài phải được lưu giữ ở phòng lạnh của bệnh viện, nhà tang lễ hoặc phải theo hướng dẫn của cơ quan y tế nhằm đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Nếu người chết bị bệnh dịch và các bệnh truyền nhiễm thì việc khâm liệm tử thi và mai táng trước 24 giờ.

Theo bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, công tác tuyên truyền được thực hiện rộng khắp, nhiều hội nghị đánh giá thực tế, tìm giải pháp đã được tổ chức; nhiều mô hình được lồng ghép… nhưng khi có những sự việc đi ngược lại với cuộc vận động thì chính quyền ngại tiếp xúc để chấn chỉnh mà thường... cho qua. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện cuộc vận động.

Ngoài ra, các hộ gia đình trong khu dân cư khi có người chết cần tôn trọng láng giềng, không cử nhạc tang trước 6 giờ và sau 22 giờ, âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép, giữ sự yên tĩnh vào ban đêm. Nghiêm cấm lợi dụng việc tang lễ để hành nghề mê tín dị đoan, tổ chức và tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức, không ăn uống linh đình, nhậu nhẹt gây mất trật tự ở ấp, khu phố, nơi dân cư. Khi đưa tang phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông, trật tự an toàn công cộng, không rắc rải vàng mã, nghiêm cấm việc rắc rải tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài trên đường đưa tang. Khuyến khích người dân thực hiện tiết kiệm, văn minh trong việc tổ chức lễ cưới, đồng thời tổ chức lễ hội văn minh, lược bỏ hủ tục lạc hậu.

Theo bà Bùi Thị Liễu, thời gian qua việc tổ chức lễ tang đã được người dân tổ chức theo thời gian quy định và có những gia đình không đốt vàng mã, rải vàng mã khi đưa tang, tuy nhiên việc này không nhiều. Tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang, việc dựng rạp cưới, rạp đám tang tràn xuống lòng đường gây cản trở, mất an toàn giao thông vẫn khá phổ biến.

Nguyên nhân của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội chưa thực sự đi vào cuộc sống là do từ trước đến nay các tập tục trong cưới hỏi, đám tang, lễ hội đã ăn sâu vào tâm thức nên việc tuyên truyền chưa tác động được đến tâm lý của người dân, chưa làm người dân thay đổi được thói quen.

Bà Nguyễn Thị Thanh (63 tuổi, ngụ ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho hay: “Làm đám tang cho cha mẹ, ngày giỗ cho ông bà mà không đốt vàng mã như xấp tiền, vàng bạc, vài bộ quần áo thì gia đình thấy chưa đủ lễ, nên phải mua về đốt”.

* Kiên trì thực hiện

Ngày 23-3-2018, UBND tỉnh đã có văn bản đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có văn bản đề nghị Mặt trận các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân các quy định trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn sự trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục tập quán, tiết kiệm, loại bỏ dần các tập tục, tập quán lạc hậu. Đồng thời, các tổ chức Mặt trận, đoàn thể cần phát huy vai trò giám sát tại địa bàn dân cư, giúp ngành chức năng có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm trong việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang.

Bên cạnh những văn bản hành chính, người dân và chức sắc tôn giáo trong tỉnh cũng hiến kế để việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, việc tang đi vào cuộc sống.

Theo Thượng tọa Thích Huệ Khai, Phó ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trụ trì chùa Long Thiền (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa): “Việc vận động người dân bỏ đốt vàng mã rất khó vì điều này đã ăn sâu vào văn hóa, gốc rễ bao đời qua. Bản thân tôi luôn khuyên các phật tử hãy hạn chế đốt vàng mã trong việc tang, giỗ. Ví như trước đây mua vàng mã và đốt cho cha mẹ hết 1 triệu đồng thì nay chỉ mua 100 ngàn đồng, còn lại 900 ngàn đồng đem đi làm việc thiện giúp những người khó khăn xung quanh và đã được mọi người hưởng ứng”.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều