Báo Đồng Nai điện tử
En

Ký ức trận đánh Nhà Xanh và bản án tử hình 3 người yêu nước ở Biên Hòa

10:11, 21/11/2018

Ngay từ đầu, Mỹ - Diệm đã cố tình chống lại thi hành Hiệp định hòa bình Genève năm 1954, không chịu hiệp thương tổng tuyển cử, ra sức truy lùng trả thù những người kháng chiến cũ, ban bố Luật 10/59 và lê máy chém đi khắp miền Nam để trấn áp, kêu gọi Bắc tiến…

Ngay từ đầu, Mỹ - Diệm đã cố tình chống lại thi hành Hiệp định hòa bình Genève năm 1954, không chịu hiệp thương tổng tuyển cử, ra sức truy lùng trả thù những người kháng chiến cũ, ban bố Luật 10/59 và lê máy chém đi khắp miền Nam để trấn áp, kêu gọi Bắc tiến…

Di tích lịch sử Nhà Xanh - nơi diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam.
Di tích lịch sử Nhà Xanh - nơi diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam.

Trước tình thế kéo dài đã 4 năm vẫn không có hiệp thương tổng tuyển cử, Tỉnh ủy Biên Hòa cũ (bao gồm 4 tỉnh lúc đó) đã phải rút vào rừng, tập hợp anh em lại, kết hợp cả lực lượng “Đảng rừng xanh” của ông Chín Quỳ để thành lập ra một đội võ trang bảo vệ tổ chức còn lại. Đội võ trang này chính là tiền thân của C250 lừng danh sau này, là đơn vị tập kích vào Nhà Xanh mở màn phong trào diệt xâm lược Mỹ ở miền Nam.

(Viết theo hồi ức của cha tôi, ông Ngô Bá Cao, cố Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, nguyên chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày).

Cố tâm tiêu diệt lực lượng của ta, địch đã tổ chức nhiều chiến dịch chống phá, truy quét ác liệt, tăng cường lực lượng cố vấn quân sự Mỹ từ cấp sư đoàn đến tiểu đoàn và đại đội.

Trước tình thế leo thang ấy, Tỉnh ủy Biên Hòa, đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Ngô Bá Cao (bí danh Ngô Quang Thanh) được Khu ủy Miền Đông chấp thuận và cho phép tiêu diệt cố vấn Mỹ ở Sư đoàn 7 đóng tại Biên Hòa. Sau một thời gian điều nghiên, nắm rõ sơ hở địch, ta thực hiện trận đánh vào phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ MAAG đóng tại Nhà Xanh (Nhà máy cưa BIF) vào đêm 7-7-1959. Trận đánh mở màn tiêu diệt 2 cố vấn quân sự là Thiếu tá Dale Buis, trung sĩ Chester Ovmand và bắn bị thương Đại úy Howad B.Boston.

Thắng lợi của trận đánh Nhà Xanh đã góp gió thành bão cho phong trào Đồng Khởi mở ra và thúc đẩy sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960.

Sau trận đánh này, địch treo thưởng cho người bắt được Ngô Bá Cao và Phạm Văn Thuận. Hơn 1 tháng sau, vào ngày 21-8-1959, ông Ngô Bá Cao bị bắt cùng nhiều người khác.

Vì người phản bội đã khai ra Ngô Bá Cao nên chúng đã tách ông ra để dụ dỗ mua chuộc, kêu gọi hợp tác nhưng không được, chúng chuyển sang dùng mọi cực hình tra tấn, đánh đập dã man suốt 4 tháng ròng, làm chết đi sống lại 11 lần, cố gắng lấy cung cho được tên của ông, nhưng ông chỉ nhận tên của mình là Ngô Quang Thanh. Cuối cùng một bản cáo trạng vẫn được lập ra khép ông hai tội: tội giết cố vấn Mỹ và tội cộng sản nằm vùng phá hoại quốc gia, mà mỗi tội đều mang một án tử hình.

Ngày 29-12-1959, 7 người bị đưa ra Tòa án quân sự đặc biệt xử tại Biên Hòa theo Luật 10/59. Phần thẩm vấn tại Tòa tập trung vào ông Ngô Quang Thanh với một số câu hỏi đáp quan trọng liên quan đến kết án:

 * Có phải anh căm thù người Mỹ lắm phải không?

- Không, tôi không căm thù người Mỹ nói chung, chỉ căm thù bọn Mỹ đến đây cướp nước là bọn thực dân xâm lược, còn đại đa số nhân dân lao động Mỹ cũng bị tư bản thực dân bóc lột, họ cũng chống nhà cầm quyền Mỹ xâm lược Việt Nam. Những người Mỹ này tôi rất quý họ và đồng tình với họ.

 * Nếu anh không đánh cố vấn Mỹ ở Máy Cưa thì anh hãy nghĩ xem ai làm việc đó?

- Theo tôi nghĩ thì có khả năng có một lực lượng yêu nước nào đó họ không chịu nổi các phản bội của Mỹ và các ông muốn xóa bỏ các Hiệp định hòa bình Genève mà họ đã ra tay cảnh cáo.

 * Theo anh thì thái độ của anh thế nào đối với kẻ gây rối trật tự trị an như thế?

- Theo tôi đây không phải là hành động gây mất trật tự trị an, mà là thái độ của người yêu nước trừng trị quân xâm lược. Tôi hoan nghênh và kính phục họ vì họ đã vào đây như chỗ không người mà không ai làm gì được họ.

Đến phần Tòa mời luật sư bào chữa, bà luật sư Nguyễn Phước Đại nói:

Trường hợp ông Ngô Quang Thanh, suốt 4 tháng ròng điều tra, đánh đập chết đi sống lại 11 lần ở Công an, ông đã không nhận. Từ sáng đến giờ tòa chất vấn đi chất vấn lại, ông đều không nhận. Vậy tòa không thể lấy lý do nào mà cứ nằng nặc đòi cái đầu của Ngô Quang Thanh. Tôi yêu cầu tòa xử đúng luật pháp quốc tế, nghĩa là tha bổng Ngô Quang Thanh mà không vì một chỉ thị nào trước.

Buổi chiều cùng ngày, bản án đã tuyên với 7 bị cáo gồm:

- 3 tử hình: Ngô Quang Thanh, Võ Văn Khọn, Nguyễn Văn Dặn.

- 1 chung thân, 1 người 20 năm tù, 1 người 10 năm tù.

- 1 người miễn tố.

Theo lịch trình, 3 tử tù phải bước lên máy chém tại Biên Hòa vào ngày 1-1-1960, nhưng đã phải đình lại vì cuộc đấu tranh phản đối quyết liệt ở trong nước và quốc tế trước và sau khi phiên tòa diễn ra. Cả thế giới đứng về phía những người yêu nước, lên án luật phát xít 10/59 với cỗ máy chém tàn bạo. Vì vậy, 3 ông đã thoát án tử hình và bị đày ra Côn Đảo từ ngày 27-1-1961.

Suốt những năm tháng bị giam cầm tại địa ngục trần gian, chết đi sống lại thêm nhiều lần nữa, cả 3 ông được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973, trở về trong tư thế người chiến thắng cùng với gia đình, bè bạn, đồng bào, đồng chí. Sự dấn thân của các ông đã góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc ta và vùng đất lịch sử anh hùng Biên Hòa - Đồng Nai trên 300 năm.

Ngô Quang Thanh

F8, tổ 11D, KP.2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa

Tin xem nhiều