Báo Đồng Nai điện tử
En

Trị An ngày ấy, bây giờ

10:11, 19/11/2018

Nhớ lại ngày mới vào làm việc tại cơ quan nhà nước, tôi có dịp cùng đoàn công tác của UBND huyện Thống Nhất cũ (nay là huyện Trảng Bom) tham dự lễ khởi công thành lập công trình thủy điện Trị An vào ngày 22-2-1982 tại xã Cây Gáo, huyện Vĩnh Cửu (nay thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu). Vùng đất này như duyên nợ với cuộc đời tôi.

Nhớ lại ngày mới vào làm việc tại cơ quan nhà nước, tôi có dịp cùng đoàn công tác của UBND huyện Thống Nhất cũ (nay là huyện Trảng Bom) tham dự lễ khởi công thành lập công trình thủy điện Trị An vào ngày 22-2-1982 tại xã Cây Gáo, huyện Vĩnh Cửu (nay thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu). Vùng đất này như duyên nợ với cuộc đời tôi. Bởi vậy, tôi luôn tự nhủ, có lẽ đây là quê hương thứ 2 của mình khi tôi cùng gia đình từ vùng sông nước Đồng Tháp Mười về đây lập nghiệp vào năm 1970.

Khu thể thao - công viên huyện Vĩnh Cửu được đầu tư xây dựng vào năm 2017.
Khu thể thao - công viên huyện Vĩnh Cửu được đầu tư xây dựng vào năm 2017.

Năm 1985, sau khi học xong Trung cấp pháp lý tại TP.Hồ Chí Minh (niên khóa 1982-1985), tôi được Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai điều động về công tác tại Tòa án nhân dân TX.Vĩnh An (nay là huyện Vĩnh Cửu). Thời điểm này, vùng đất TX.Vĩnh An đang trong cao điểm xây dựng gấp rút các hạng mục then chốt công trình Nhà máy thủy điện Trị An - một nhà máy thủy điện tầm cỡ nhất khu vực phía Nam lúc bấy giờ. Công trình này là tiêu biểu cho tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam và Liên Xô, được đóng góp bằng công sức, trí tuệ của nhân dân 2 nước để đem lại nguồn năng lượng từ sức nước, thắp sáng và phục vụ phát triển kinh tế cho miền Nam. Đồng thời, có cả sự hy sinh lớn lao của một bộ phận nông dân bản địa và kinh tế mới sinh sống trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom... vì phải di dời nhà cửa, rời bỏ rẫy vườn để nhường đất cho công trình.

Gắn với sự phát triển lịch sử của vùng đất Trị An là sự phát triển không ngừng trong kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực đóng góp của nhân dân huyện Vĩnh Cửu. Nhắc tới vùng đất Trị An này là nhắc tới lịch sử hào hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở Chiến khu Đ. Bởi vì, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân tỉnh Đồng Nai, rừng già Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An đã che chở cho bộ đội, dân quân, du kích và nhân dân bám rừng, chiến khu kháng chiến bền bỉ cho đến ngày đất nước thống nhất.

Còn hôm nay, rừng già Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An vẫn tự hào là “lá phổi xanh” của vùng đất Vĩnh Cửu với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện chức năng gìn giữ, bảo tồn rừng kết hợp với du lịch lịch sử, văn hóa, đang là điểm đến tham quan, về nguồn và nghiên cứu khoa học.

Khu Trung tâm hành chính huyện Vĩnh Cửu được hình thành và phát triển theo thời gian. Trong giai đoạn hiện nay là đồng bộ, chuẩn hóa, hài hòa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của một huyện nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới. Riêng đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao đáng kể, các thiết chế văn hóa - xã hội tại trung tâm huyện được xây dựng, chỉnh trang quy mô, bài bản.

Năm 2017, lãnh đạo huyện định hướng phát triển kinh tế rất kịp thời và nhạy bén khi mạnh dạn xin chủ trương Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh kêu gọi đầu tư du lịch nhằm phát triển thế mạnh vùng đất Vĩnh Cửu tại Khu du lịch Đảo Ó Đồng Trường. Khu du lịch sinh thái này cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tạo thêm cảnh quan sinh thái, thu hút du lịch cho vùng đất Trị An xưa, Vĩnh Cửu hôm nay.

Là một viên chức đang công tác và sinh sống trên vùng đất này hơn 30 năm, tôi hãnh diện và tự hào khi chứng kiến, cảm nhận sự phát triển lớn mạnh không ngừng của vùng đất Vĩnh Cửu, Trị An. Sự phát triển đó không chỉ riêng cá nhân tôi được thụ hưởng, tự hào mà hàng trăm ngàn người dân Vĩnh Cửu (dân bản địa hay nhập cư) cũng được thụ hưởng, tự hào. Cho nên, trái tim tôi luôn thổn thức, trách nhiệm khi hằng ngày vào công sở làm việc, tiếp xúc với người dân, đối tượng yếu thế (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em...) khi họ yêu cầu được hỗ trợ pháp lý. Đó cũng là trách nhiệm của một viên chức tư pháp như tôi để trả nghĩa với vùng đất Trị An, Vĩnh Cửu đã nuôi dưỡng, đào tạo, đãi ngộ và tôi luôn dặn lòng luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được cấp trên giao, địa phương tin tưởng đúng với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ đội ngũ cán bộ tư pháp phải luôn “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Cũng vì vậy mà mỗi buổi chiều tan công sở hay đêm về lang thang cùng con cháu nhìn ngắm phố chợ, tôi thật sự tin tưởng, vững tin, trong tương lai không xa bằng sự lãnh đạo của Huyện ủy, chính quyền huyện Vĩnh Cửu, vùng đất Trị An xưa và huyện Vĩnh Cửu hôm nay sẽ phát triển vượt bậc, hiện đại hơn, đáp ứng được vị trí, tiềm năng vốn về địa lý, thế mạnh sinh thái rừng, di tích lịch sử, thủy điện.

Nguyễn Minh

(Trợ giúp viên pháp lý Chi nhánh Trợ giúp pháp lý huyện Vĩnh Cửu)

Tin xem nhiều