Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo mộ vò ở Đồng Nai

10:11, 23/11/2018

Lâu nay, ở Đồng Nai mọi người thường nghe nói đến mộ hợp chất (như các mộ hợp chất ở Cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), mộ đá (mộ Cự thạch Hàng Gòn, TX.Long Khánh) mà ít nhắc đến loại mộ vò. Thực chất, đây là loại hình mộ độc đáo và khá phổ biến ở thời đại Kim khí của miền Đông Nam bộ.

Lâu nay, ở Đồng Nai mọi người thường nghe nói đến mộ hợp chất (như các mộ hợp chất ở Cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), mộ đá (mộ Cự thạch Hàng Gòn, TX.Long Khánh) mà ít nhắc đến loại mộ vò. Thực chất, đây là loại hình mộ độc đáo và khá phổ biến ở thời đại Kim khí của miền Đông Nam bộ.

Hiện vật di chỉ Suối Chồn (TX.Long Khánh) trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: T.THÚY
Hiện vật di chỉ Suối Chồn (TX.Long Khánh) trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: T.THÚY

Từ sau năm 1975, qua những phát hiện và khai quật khảo cổ học mới, miền đất Đông Nam bộ mà đặc biệt là Đồng Nai đã hiện ra một trung tâm quần cư đông đúc và sáng tạo văn minh liên tục hàng ngàn năm của người xưa ở vùng đất này từ buổi đầu thời đại Đá đến những thế kỷ đầu Công nguyên thuộc thời đại Sắt. Tại Đồng Nai, 4 địa điểm có di tích mộ vò là Dầu Giây (thuộc huyện Thống Nhất), Phú Hòa (huyện Định Quán) và Hàng Gòn, Suối Chồn (đều thuộc TX.Long Khánh). Trong đó, di tích khảo cổ học duy nhất được phát hiện và nghiên cứu với nguyên trạng kết cấu di chỉ - mộ táng là ở Suối Chồn (nay thuộc phường Xuân Bình, TX.Long Khánh) vào năm 1977-1979, được coi là tiêu biểu cho giai đoạn phát triển văn hóa cao nhất của thời đại Kim khí Đông Nam bộ (giai đoạn Suối Chồn).

* Độc đáo mộ vò

Cụm di tích mộ vò ở Đồng Nai gồm 108 mộ, đều được chôn ở tư thế thẳng đứng, bố trí thành nhóm hay dãy dài cách mặt đất khoảng 20-30cm, một số vò lớn đã được người xưa kê những tảng đá lớn xung quanh đáy và có những nồi gốm nhỏ úp ngược làm nắp đậy. Đáng chú ý, nhiều mộ có đồ tùy táng được sắp xếp trong hay ngoài mộ. Trong số các hiện vật tùy táng được phát hiện, vũ khí rất ít mà phần lớn là công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt và nổi bật nhất là nhóm đồ trang sức, vừa phong phú về số lượng, hình loại vừa đặc sắc về chất liệu. Như ở khu mộ Phú Hòa, có mộ tìm được hơn 1 ngàn hạt trang sức bằng đá và thủy tinh. Đặc biệt, ở Hàng Gòn và Phú Hòa nhóm khảo cổ phát hiện được những hiện vật trang sức bằng kim loại quý như vàng, bạc lần đầu tiên được biết đến trong di tích mộ vò ở nước ta.

Ngoài những đồ tùy táng còn nguyên vẹn, người cổ nơi đây còn cố ý bẻ gãy vòng đá hay đập vỡ đồ gốm để rải bên trong và ngoài mộ. Hiện tượng này cũng có ở Đông Dương, Óc Eo, Đông Sơn và là tục phổ biến của cư dân Indonésien, như là cách thể hiện niềm tin cần được cung cấp mọi nhu cầu về cuộc sống cho những người ở thế giới bên kia.

Về cách thức mai táng, các nhà nghiên cứu đều cho rằng chủ nhân những di tích mộ vò sử dụng hình thức hỏa táng là chủ yếu, mà căn cứ khoa học rõ nét nhất là dấu vết tro, than củi và ít xương vụn còn tồn lưu trong những mộ vò ở Dầu Giây và Phú Hòa.

* Mộ cổ “biết nói”

Hiện tượng chôn người chết trong vò gốm bằng hình thức hỏa táng không phải là đặc trưng riêng biệt của bất cứ cộng đồng người nào. Đây là tập tục mai táng phổ biến của cư dân nông nghiệp cổ vùng Viễn Đông thời đại Sắt. Các vò mai táng được chế tạo bằng bàn xoay hay nặn bằng tay từ sét dẻo pha cát, bã thực vật và lẫn nhiều khoáng chất; thường có màu đỏ hồng, đỏ nâu hoặc xám sáng, miệng loe rộng, cổ hơi thắt lại, thân vò hình cầu, bầu dục hay hơi gãy khúc. Tuy nhiên, ở đây hoàn toàn vắng mặt loại vò hình trụ hoặc hình trứng có kích thước lớn - là những loại vò điển hình của văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Ngãi - Bình Định.

Trong số các đồ gốm tùy táng, có đủ các loại: nồi, bình, chén sâu lòng, đĩa, cốc, vật kê lò, bi, dọi se chỉ, quả cân, khuyên tai gốm. Hoa văn trang trí phần lớn là vặn thừng hay chải, hoa văn khắc vạch với các họa tiết hình học đơn giống những đồ án thường thấy ở gốm Bến Đò, Cái Vạn, Bình Đa, Gò Đá, Long Bửu, Dốc Chùa, cho thấy sự gắn bó chặt chẽ với truyền thống gốm cổ Đồng Nai. Như vậy, truyền thống, kỹ thuật, loại hình gốm và hoa văn trang trí của cụm di tích Suối Chồn có những đặc điểm chung, thống nhất với kỹ nghệ gốm toàn vùng Đồng Nai từ sớm đến muộn.

Những công cụ sản xuất đá khá ít ỏi so với đồ sắt, bao gồm: rìu đá tứ giác và rìu có vai, đục, dao, chày nghiền, bàn mài, khuôn đúc, đá có lỗ và dấu khắc... Đáng chú ý là đục và dao đá cũng giống hệt những tiêu bản đã tìm thấy trước đó ở Đồng Nai.

Trong khi đó, sự tồn tại của đồ sắt ở di chỉ rất phổ biến, phong phú và hoàn chỉnh về kiểu dáng mà trung tâm văn hóa Sa Huỳnh không hề có, bao gồm: công cụ sản xuất (cuốc, rìu, dao, liềm), vũ khí (kiếm) và đồ trang sức (vòng tay, nhẫn). Đây là loại sắt đã được chế tạo bằng phương pháp rèn, gần như nguyên chất. Sự tiến bộ về kỹ thuật và sự hoàn chỉnh về hình dáng là cơ sở để các nhà nghiên cứu đoán định về khả năng xuất hiện sớm của sắt ở Đông Nam bộ. Theo E.Saurin, thành viên Hội địa chất Đông Dương, đồ sắt ở Dầu Giây, Hàng Gòn xuất hiện sớm nhất Đông Dương, vào khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 sau Công nguyên. Kết quả định tuổi bằng đồng vị carbon C14 đối với hiện vật ở Phú Hòa cho thấy niên đại xác định từ 2.400-2.590 năm, ở Hàng Gòn từ 2.100-2.300 năm.

Đồ đồng và vàng bạc gồm có công cụ sản xuất, dụng cụ (rìu đồng, chậu đồng) và đồ trang sức (vòng tay đồng, khuyên tai đồng thau mạ vàng, chuỗi vàng, dây chuyền bạc), phong phú về số lượng và hình loại gồm: vòng tay đá hay thủy tinh, khuyên tai hình đĩa có ba mấu bằng đá hay thủy tinh, khuyên tai đá 2 đầu thú, hạt chuỗi và hạt trang sức bằng đá quý và thủy tinh... Sự xuất hiện khá phổ biến về số lượng và kiểu loại đồ trang sức cho thấy điểm khác biệt nổi bật của cụm di tích này so với nhóm đồ trang sức các giai đoạn văn hóa sớm ở Đồng Nai.

Tất cả những hiện vật tìm thấy ở cụm mộ vò Đồng Nai đã cung cấp những hiểu biết khái quát về một trung tâm văn hóa tiền sử - sơ sử phát triển khá rực rỡ, đó là Trung tâm văn minh Kim khí Đồng Nai.

Với chúng tôi, phát hiện về những mộ vò có kè thêm những tảng đá dưới đáy các vò táng lớn ở Suối Chồn, đã gợi lên những liên tưởng thú vị về sự liên quan với tập tục mai táng có từ trước ở vùng này (dạng mộ huyệt đất kè đá và rải gốm). Phải chăng, ở thời kỳ này, bên cạnh việc sử dụng nhiều vò gốm làm áo quan, người cổ ở đây vẫn bảo lưu lối mai táng truyền thống của họ?

Di tích mộ vò “nói” gì?

Vốn nảy sinh từ những giai đoạn phát triển văn hóa trước đó, cụm di tích mộ vò ở Đồng Nai đã thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa Đông Nam bộ ở giai đoạn phát triển cuối cùng của thời đại Kim khí nơi đây. Bản sắc độc đáo ấy chính là những đặc trưng văn hóa thống nhất với nhau và thống nhất với cội nguồn, bên cạnh sự tồn tại những yếu tố văn hóa như là hệ quả của sự giao lưu; in dấu những hệ quả của mối giao lưu đa hướng ấy đậm hơn bất cứ giai đoạn phát triển nào trước đó.

Những đặc trưng văn hóa - kỹ thuật từ cụm mộ vò Đồng Nai đã biểu lộ đầy đủ bản sắc văn hóa của người Đồng Nai ở thời đại Kim khí - giai đoạn mà con người vốn sống với truyền thống và sống trong giao lưu, đã lớn mạnh nhờ sức đẩy của cội nguồn và nhờ sắt.  Họ đã kế thừa trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm chinh phục thiên nhiên của truyền thống, đã hoàn thiện dần sức mạnh làm chủ đồng bằng vốn có trong tay mình. Những loại hình công cụ sản xuất và thu hoạch bằng sắt đã xuất hiện và gia tăng tác dụng. Sự đa dạng về hình loại, phong phú về số lượng và tiến bộ về kỹ thuật chế tạo của hiện vật bằng sắt đã phản ánh vững chắc và tiêu biểu đỉnh điểm của văn minh Kim khí Đông Nam bộ với những đặc trưng văn hóa độc đáo và có phần khác lạ với đỉnh điểm của nền văn minh Sông Hồng.

Với sắt trong tay, cư dân Đồng Nai giai đoạn Suối Chồn đã bước vào sử dụng thứ nguyên liệu quan trọng nhất trong tất cả các nguyên liệu, đóng một vai trò cách mạng trong lịch sử, tạo nên một bước ngoặt trọng đại trong đời sống con người và cho cả diện mạo của văn hóa Đồng Nai, đưa đến sự phát triển đến đỉnh cao của trung tâm văn minh Đông Nam bộ.

Địa bàn huyện Xuân Lộc cũ (bao gồm cả Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ, Định Quán) có điều kiện tiếp nhận những dòng văn hóa từ nhiều hướng thâm nhập, chuyển hòa, hình thành nên giai đoạn Suối Chồn với bản sắc độc đáo, phong phú và đa dạng. Sự bảo lưu những đặc điểm văn hóa và kỹ thuật của cội nguồn chính là tiền đề đảm bảo cho con người Đồng Nai giai đoạn này tiếp thu những thành tựu văn hóa ở các nơi khác dội đến để sáng tạo và phát triển.

PGS-TS.Phạm Đức Mạnh

Tin xem nhiều