Báo Đồng Nai điện tử
En

Bàn giải pháp hữu hiệu phục hưng nghệ thuật sân khấu cải lương

09:12, 10/12/2018

Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức tọa đàm khoa học Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương.

Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức tọa đàm khoa học Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương.

PGS-TS.Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: Sự ra đời của nghệ thuật sân khấu cải lương là kết quả của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam - Pháp, giữa loại hình nghệ thuật truyền thống vốn phổ quát ở miệt vườn Nam bộ là Đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu kịch thoại của Pháp. Quá trình này đã hòa quyện một cách sâu đậm vào dòng văn hóa Nam bộ đến mức khi xem một vở cải lương, khán giả không còn phân biệt đâu là sự ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp. Ở Nam bộ, cải lương đã thật sự trở thành một loại hình nghệ thuật hấp dẫn với nội dung cốt truyện, lối diễn xuất của nghệ sĩ phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và lối sống phóng khoáng của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, sân khấu cải lương đang trong cơn “tai biến”, thể hiện rõ sự yếu kém ở các khâu như: tác giả - người am hiểu cải lương đang rất hiếm hoặc đã cao tuổi. Người trẻ có nhiệt huyết lại ít hiểu biết về nghệ thuật cải lương. Đạo diễn không được đào tạo chuyên ngành nên không có đạo diễn cải lương đúng nghĩa. Các đạo diễn gạo cội, am hiểu cũng hầu như... tuyệt tích. “Ngay cả khán giả ruột của cải lương hầu như không còn bao nhiêu. Khán giả trẻ do chưa hiểu biết về nghệ thuật này nên không thích xem cải lương. Không có khán giả, sân khấu cải lương không thể tồn tại và phát triển” - NSƯT.Trần Minh Ngọc tâm tư.

Bàn về giải pháp hữu hiệu phục hưng nghệ thuật sân khấu cải lương, tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm thay đổi cách nghĩ, cách làm lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình mới của xã hội hôm nay. Đặc biệt, cần có chính sách, thể chế nuôi dưỡng, nâng cao chất lượng sáng tác và biểu diễn. Thêm vào đó, cần một chính sách lâu dài, bền bỉ và hiệu quả trong việc giáo dục công chúng cải lương.

TS.Mai Mỹ Duyên, giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường đại học Trà Vinh bày tỏ, giải pháp khôi phục, nâng chất nghệ thuật sân khấu cải lương chính là tổng hợp của nhiều nhóm giải pháp về đội ngũ làm nghề, lực lượng khán giả say mê và có hiểu biết về cải lương, công tác quản lý văn hóa, công tác lý luận và phê bình. Trong đó, theo TS.Mai Mỹ Duyên, cần nhấn mạnh đến việc giáo dục công dân, giáo dục âm nhạc và sân khấu dân tộc, học nhạc cụ bài bản ở các bậc phổ thông theo hướng từ thấp lên cao; đồng thời, cần liên kết giữa giáo dục đào tạo trong và ngoài nhà trường về văn hóa nghệ thuật giữa thiết chế văn hóa do ngành Văn hóa - thông tin quản lý với các trường phổ thông trên địa bàn.

Ở góc độ nhà quản lý, NSƯT.Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.Hồ Chí Minh cho biết, trước những khó khăn, thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương, ngành Văn hóa cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách nhằm ưu tiên đầu tư nguồn lực trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu truyền thống trong và ngoài công lập. Ngành tăng cường các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho khán giả ở ngoại thành; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sân khấu hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa cần đẩy mạnh phối hợp các Hội chuyên ngành, phát triển công tác lý luận phê bình, sáng tác để có được những kịch bản hay, chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách cho sinh viên chuyên ngành để ươm mầm, đầu tư phát triển tài năng sân khấu cải lương. Ngành Văn hóa tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp du lịch nhằm khai thác, quảng bá nghệ thuật truyền thống đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

P.V

Tin xem nhiều