Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa thành phố tôi yêu!

09:12, 16/12/2018

Tôi còn nhớ những năm đầu giải phóng, lần đầu vào Sài Gòn. Ôi thật ngỡ ngàng!

Tôi còn nhớ những năm đầu giải phóng, lần đầu vào Sài Gòn. Ôi thật ngỡ ngàng!

Khi còn là sinh viên báo chí, học và làm việc tại Báo Nhân Dân, phụ trách lưu giữ hồ sơ mật chính quyền Sài Gòn, tôi chỉ hình dung Sài Gòn qua những bài báo cắt giữ và một vài hình ảnh Sài Gòn hoa lệ trong bản tin.

Cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai kết nối trung tâm TP.Biên Hòa với nút giao thông ngã ba Vũng Tàu, cửa ngõ phía đông vào TP.Hồ Chí Minh.
Cầu An Hảo bắc qua sông Đồng Nai kết nối trung tâm TP.Biên Hòa với nút giao thông ngã ba Vũng Tàu, cửa ngõ phía đông vào TP.Hồ Chí Minh.

Sài Gòn thật rộng lớn với những tòa nhà đồ sộ, phố xá vẫn đông, ồn ào tấp nập tuy đã có nhiều gia đình đi di tản… Chưa khám phá được nhiều, tôi lại được phân công về Biên Hòa công tác.

Biên Hòa cách Sài Gòn không xa lắm, khoảng hơn 30km. Thành phố thật bình dị, êm đềm, hai bên đường không có nhiều nhà cao tầng, không có những hàng cây to xõa bóng mát như Sài Gòn và Hà Nội quê tôi.

Hồi bấy giờ mới giải phóng, vẫn còn bao cấp, chúng tôi ăn cơm tập thể, hoặc ăn với gia đình, bữa cơm thật đơn giản mà sao ngon đến lạ. Ăn và dùng đồ theo tiêu chuẩn cung cấp. Không có nhiều nhà hàng, quán xá như bây giờ, mọi người vui sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, tuy cuộc sống mới còn thiếu thốn về vật chất nhưng Ban lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể luôn chú ý đến đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân viên. Luôn tổ chức phong trào thi đua, hội diễn văn nghệ - thể thao, động viên rất nhiều nên chúng tôi ai cũng muốn góp sức xây dựng và cống hiến cho TP.Biên Hòa thân yêu.

Nếu điểm lại lịch sử từ năm 1832, từ Trấn Biên đổi thành Biên Hòa, cũng là một đoạn đường lịch sử phân chia, sáp nhập, thay đổi địa lý cho đến năm 1976 TX.Biên Hòa mới được nâng cấp thành TP.Biên Hòa, đô thị loại 3 thuộc tỉnh Đồng Nai.

Từ đó cho đến nay cùng với sự thay đổi địa lý, dân số cũng dần tăng lên. Từ năm 1979 chỉ có 238.470 ngàn người, tăng dần theo năm tháng, cùng vì Biên Hòa đất lành chim đậu, khí hậu ôn hòa, hai mùa mưa nắng rõ rệt nên thuận lợi cho mọi người đổ về sinh sống đến năm 2014 đã lên 1 triệu người.

Biên Hòa có nhiều tiềm năng, kinh tế phát triển, vị trí thuận lợi, nằm ngay trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm, nơi có các tuyến giao thông đặc biệt quan trọng của đất nước như: quốc lộ 1, quốc lộ 51… lại được Trung ương, Ban lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm đầu tư nhiều công trình hạ tầng lớn như: hầm chui, cầu vượt Amata mở mang đường sá, xa lộ huyết mạch giao thông nối với các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh. Cầu An Hảo và một số cầu bắc qua sông Đồng Nai giải quyết nhu cầu cấp thiết của người dân và tạo cảnh quan cho đô thị. Cùng từ đó hình thành và phát triển khu công nghiệp nhanh, mạnh thu hút người lao động và cán bộ kỹ thuật, nguồn năng lực lớn cũng tăng theo. Dân số tính cho đến 2017-2018 đã lên tới 1.250.000 người, rất đa dạng về lao động sinh sống.

Với những công trình đã và đang được đầu tư xây dựng, Biên Hòa đang vươn mình mạnh mẽ. Kèm theo sự phát triển về giao thông, mở mang đường sá quy hoạch nhà phố, các căn hộ, nhà liền kề tăng nhanh, các trục đường lớn như: 30-4, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Đường 5 mới thoáng, rộng, đẹp, bước khởi đầu cho TP.Biên Hòa thay đổi bộ mặt mới.

Tất cả mọi người dân TP.Biên Hòa và toàn dân tỉnh Đồng Nai rất tự hào và phấn khởi nhìn nhận sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chính quyền đã phát triển đồng bộ mạnh mẽ kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao thông đường bộ, đường sông, các hệ thống đường sắt, đường thủy ngang dọc nối liền các thành phố lớn. Kèm theo lâm ngư nghiệp cũng phát triển quy mô chưa từng có.

Chúng ta đều biết bước khởi đầu cho TP.Biên Hòa phát triển mọi mặt là những trung tâm thương mại lớn như: BigC, Lotte, Metro nổi lên và những siêu thị: Điện Máy Xanh, Chợ Lớn, Nguyễn Kim phục vụ đời sống cho mọi người, tuy nhiên Ban lãnh đạo tỉnh cũng không quên xây dựng, nâng cấp các khu chợ dân sinh như: chợ Biên Hòa, Long Bình, Tân Hiệp nhằm phục vụ rộng rãi đến dân lao động.

Song song với giao thông đường bộ phải kể đến đường bay hàng không. Từ ngày tiếp quản Sân bay Biên Hòa, Trung đoàn 935 luôn trong tư thế sẵn sàng bảo vệ vùng trời Tổ quốc.

Năm 2015, Biên Hòa đã được Quốc hội thông qua dự án Sân bay Long Thành, sân bay quốc tế cách thành phố 40km, tạo nhiều thuận lợi cho đô thị công nghiệp.

Vì Biên Hòa có sông Đồng Nai chảy qua và ăn sâu vào đất liền nên hệ thống Cảng Đồng Nai là hệ thống lớn trên lưu vực sông Đồng Nai cũng đang được chú trọng.

Vấn đề giáo dục cũng được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Tuy ít trường đại học, nhưng có rất nhiều trường trung học, trường trung cấp, cao đẳng, nhiều trường điểm như: Ngô Quyền, Lương Thế Vinh, Lạc Hồng đạt chất lượng đào tạo cao, thu hút nhiều học viên trong thành phố và các tỉnh lân cận.

Cùng với sự phát triển của ngành Giáo dục, ngành Y tế cũng được đưa lên hàng đầu. Những năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế cũ xuống cấp đã được xây dựng, sửa chữa mới như: Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện nhi và một số bệnh viện được đầu tư giảm tải cho bệnh nhân của các bệnh viện lớn.

Kéo theo đó là ngành du lịch cũng tiến bộ đáng kể, thu hút được nhiều du khách như: Bửu Long, Bò Cạp Vàng, Thác Giang Điền là những đơn vị đầu tư chất lượng.

Sau hơn 40 năm giải phóng, Biên Hòa đã từng bước đi lên, phát triển vững mạnh về mọi mặt, đáng để chúng ta tự hào là người dân Đồng Nai đã có một phần đóng góp sức mình cùng với Ban lãnh đạo tỉnh, luôn tiếp thu và hoàn thiện, nâng cao các hệ thống nói trên để trong tương lai đưa TP.Biên Hòa trở thành đô thị vệ tinh trực thuộc Trung ương và đô thị trực thuộc vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh.

Là người dân được sống và công tác tại Biên Hòa, được chứng kiến sự chuyển mình của Biên Hòa từ giải phóng đến nay, tôi rất tự hào đã xem Biên Hòa là quê hương thứ hai của mình. Nguyện góp công sức nhỏ bé xây dựng quê hương Biên Hòa ngày càng lớn mạnh. Và hơn thế nữa! Mãi trong tôi, Biên Hòa là thành phố tôi yêu!

Hiền Lê

Tin xem nhiều