Báo Đồng Nai điện tử
En

Hào khí Đồng Nai trên hành trình nông thôn mới

09:12, 30/12/2018

Những ngày cuối năm, thời tiết Đồng Nai trở nên nóng hơn khi Nam bộ bắt đầu bước vào mùa khô. Trên "con ngựa sắt", tôi vẫn bon bon qua những nẻo đường vùng xa huyện Định Quán, vùng đất còn nhiều khó khăn. Từ thị tứ của huyện đi các xã như: Gia Canh, Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Ngọc... tôi cảm nhận được sự thay da đổi thịt ở nơi đây.

Những ngày cuối năm, thời tiết Đồng Nai trở nên nóng hơn khi Nam bộ bắt đầu bước vào mùa khô. Trên “con ngựa sắt”, tôi vẫn bon bon qua những nẻo đường vùng xa huyện Định Quán, vùng đất còn nhiều khó khăn. Từ thị tứ của huyện đi các xã như: Gia Canh, Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Ngọc... tôi cảm nhận được sự thay da đổi thịt ở nơi đây.

Mô hình trồng thanh long từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc)
Mô hình trồng thanh long từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc)

Đó là sự khang trang sạch sẽ từ những tuyến đường bê tông, đêm đêm đèn điện được thắp sáng đến tận ngỏ hẻm, an ninh trật tự được đảm bảo... Hàng ngàn vườn điều, mía... đang được người dân chuyển đổi sang trồng cam quýt, xoài Đài Loan... với máy móc kỹ thuật đến tận gốc. Những ứng dụng khoa học mới cũng được cán bộ truyền đạt cho người nông dân khiến năng suất cao hơn, đời sống được cải thiện.

Để đạt được thành quả đó, là sự chung tay, đồng lòng của chính quyền và người dân. Tôi nhớ về ông Hoàng Văn Thú, gia đình nghèo khó, mưu sinh bằng nghề đạp xe thồ ở xã Gia Canh vẫn dùng sổ đỏ thế chấp, lấy tiền đóng góp giúp bà con xây đường bê tông cho các cháu đi học đỡ vất vả. Tinh thần đoàn kết, gắn bó vì cộng đồng không chỉ của ông Thú mà còn biết bao người dân khác khiến lòng tôi xúc động và tự hào.

Vui cùng với họ khi những cố gắng ấy đã được đền đáp, Định Quán là một trong 2 huyện cuối cùng của tỉnh vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của người dân huyện vùng sâu sau gần 30 năm hình thành mà còn đưa Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế nông thôn Đồng Nai từ lâu luôn được xem là mũi nhọn để phát triển ngoài công nghiệp và dịch vụ. Những quyết sách đúng đắn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển giao công nghệ... giúp cho những vùng quê khô cằn một thời bom lửa ở Xuân Lộc, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... cũng phải khuất phục trước ý chí của người dân. Đó là tinh thần vượt khó, sáng tạo mà người dân Đồng Nai được thừa hưởng của truyền thống mà cha ông hun đúc từ 320 năm trước. Nhiều người hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, sáng tạo kỹ thuật... đời sống tinh thần văn hóa vì thế cũng trở nên đa dạng, phong phú hơn.

Nông thôn mới. Đó không phải là đích đến để phô trương thành tích mà hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Nó chứng tỏ sự đoàn kết, sẻ chia của toàn hệ thống chính trị, khi ý Đảng lòng dân vẹn đầy ắt hẳn mới gặt được quả ngọt như ngày hôm nay. Tôi nhớ 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu khi viết về vùng đất này đã nhắc đến sự đoàn kết, hòa hợp, đồng lòng của chính quyền và người dân như vậy: “Hòa hợp tình dân, xây trận địa/ Rừng hoang, lúa mới ấm no lòng/ Văn chương Hoài Đức nuôi tâm trí/ Trương Định bình Tây, dậy chiến công”.(*)

Tôi cám ơn họ, đó là những con người mang hào khí Đồng Nai, chất hào hùng, bất khuất, chịu khó và rất đỗi hiền hòa.  320 năm là một chặng đường lịch sử với biết bao thăng trầm biến cố trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Hào khí ấy điểm tô tinh thần bất khuất của quê hương đất Việt từ ngày Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xác lập cương thổ. Và từ đó, những người Việt đầu tiên đã cùng chung tay khai phá, dựng xây, chiến đấu giành giật lại cuộc sống yên bình.

Hôm nay khi đi qua cây cầu An Hảo nhìn về Cù lao Phố, trong lòng tôi bồi hồi, dâng trào niềm xúc cảm trước khí chất vang vọng bước chân những bậc tiền nhân định hình vùng đất mới, một Biên Hòa - Đồng Nai phát triển như ngày nay. Và trên mảnh đất này, vẫn còn đó những dấu tích của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức, người anh hùng Đoàn Văn Cự. Tiếp bước truyền thống lịch sử, văn hóa quý báu của cha ông bao đời, thế hệ sau càng tô đậm truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” với những chiến công địa danh lẫy lừng còn vang: Chiến thắng La Ngà, Chiến khu Đ, phá khám Tân Hiệp, Tổng kho Long Bình, Phòng tuyến Xuân Lộc...

Dòng sông Đồng Nai vẫn chảy miệt mài, bất tận trên hành trình của thời gian. Vùng đất xưa, nay trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước đang trên đà phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với việc 2 huyện cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới đúng dịp kỷ niệm 320 năm, tôi nghĩ đó là một cơ duyên thật đẹp.

Biên Hòa - Đồng Nai, cho tôi tri ân những người mở cõi, những dòng di dân khai phá, lập làng và những người đã hy sinh để bảo vệ nó, cho chúng tôi một cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay. Đó cũng là trọng trách cho những người trẻ như tôi không ngừng học tập, tu luyện, sáng tạo nắm lấy cơ hội để đưa vùng đất này tiến vào thời đại mới, cất cánh bay xa.

Hoàng Trường

(*) - Bài thơ Nhớ về Đồng Nai (Tố Hữu - 1997)

Tin xem nhiều